
Lỗ hổng an toàn nước sạch
Nước sạch nhiễm bẩn - Là câu chuyện “nóng” được người dân, dư luận cả nước quan tâm trao đổi, bàn thảo nhiều ngày qua. Hàng nghìn người dân giữa thủ đô Hà Nội phải sống trong cảnh lo âu vì nguồn nước sạch do Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp có mùi khét do nhiễm dầu.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, theo quy chuẩn Việt Nam của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styren trong nước đã cao hơn mức quy định từ 1,3-3,6 lần và không an toàn cho sức khỏe.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ngày 8/10, một xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau đó dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch Sông Đà thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà khiến nước sau xử lý có mùi lạ.
Những ngày qua, sau khi các công ty sử dụng nước sạch Sông Đà ra thông báo tạm ngừng cấp nước, hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội đã phải thức trắng đêm chờ xe téc chở nước sạch đến để xách từng xô về phục vụ cho việc ăn uống. Mọi sinh hoạt của người dân đều bị đảo lộn do thiếu nước sạch.
Liên quan đến vụ việc nhiễm dầu bẩn vào nguồn nước sạch Sông Đà, Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 235, Bộ luật Hình sự. Các lực lượng chức năng đang tích cực điều tra, đồng thời vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, qua đó sớm đưa người vi phạm ra xử lý trước pháp luật nhằm tăng tính răn đe và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Một điều mà dư luận không khỏi bức xúc đó là sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ, sự “im lặng chết người” của các cơ quan chức năng, trong đó có Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà khi phát hiện vụ việc từ ngày 8/10 nhưng không thông báo, không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, mà vẫn cung cấp nước cho người dân Hà Nội như không có chuyện gì xảy ra.
Trước sự việc này, có lẽ vấn đề người dân quan tâm hơn cả là đảm bảo an toàn nguồn nước đầu vào cho các nhà máy xử lý nước sạch.
Mặc dù có nhiều quy định về đảm bảo an toàn nguồn nước như không đổ rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường, không phát tán chất độc hại, các bệnh truyền nhiễm, bệnh dễ lây lan; bảo vệ khu vực an toàn giếng nước ngầm, nguồn nước mặt phục vụ cấp nước; bảo vệ hành lang an toàn tuyến ống nước thô, đường ống truyền tải nước sạch, các công trình kỹ thuật và mạng lưới cấp nước…, thế nhưng, ở hầu hết các địa phương, trong đó có Quảng Ninh, công tác quản lý các hồ chứa, sông, đường dẫn nước hở phục vụ các nhà máy xử lý nước sạch vẫn còn rất lỏng lẻo.
Từ câu chuyện của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, nhiều người dân cho rằng, nếu chất nhiễm vào nguồn nước cung cấp cho người dân không phải là dầu mà là các chất độc hại khác thì không biết hậu quả sẽ ra sao?
Đây được xem như là một lỗ hổng chết người, bài học lớn cho các địa phương, công ty, đơn vị cung cấp nước sạch trong việc quản lý, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Sự việc trên cho thấy, nếu các ngành chức năng, địa phương không tích cực vào cuộc, khẩn trương xây dựng và đảm bảo một quy trình xử lý nước sạch một cách chặt chẽ, đặc biệt là công tác quản lý nguồn nước đầu vào cho các nhà máy xử lý nước sạch thì không ai dám chắc rằng sẽ không có một vụ “nước Sông Đà” khác có thể xảy ra.
Thái Bình
Ý kiến ()