Nếu cứ trông chờ vào ngân sách trung ương đầu tư thì chắc chắn rằng Quảng Ninh chưa thể có được những tuyến cao tốc nối cao tốc, có cảng hàng không quốc tế đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ tạo bước phát triển đột phá như hiện nay. Với tư duy Quảng Ninh, cách làm Quảng Ninh, từ việc nhận diện, đánh giá đúng thực tiễn, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, và tập trung nguồn lực để khơi thông đã giúp cho những khát vọng sáng tạo của Vùng mỏ được thể hiện bằng hành động thực tế, mang lại cho tỉnh những kết quả vượt trội về hạ tầng, về tư duy, về con người.
Liên cơ quan số 4 là trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động được hơn 2 năm nay và là một trong những hình mẫu đầu tiên trong cả nước về nơi làm việc tập trung cho các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể.
Một không gian làm việc tập trung, hiện đại đã góp phần rất lớn trong tạo sự mới mẻ, tươi mới hơn trong thực hiện nhiệm vụ của các công chức khối Đảng, đoàn thể. Như đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương khi thăm mô hình cơ quan khối, điều kiện làm việc của cán bộ, công chức trong cơ quan khối mặt trận tổ quốc, các đoàn thể tỉnh Quảng Ninh đã đánh giá: Cơ sở hạ tầng quá tốt, cán bộ, công chức làm việc tập trung tại 1 tòa nhà đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho vận hành mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung khối mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tỉnh Quảng Ninh. Nhìn tinh thần làm việc của các anh, chị em trong cơ quan khối rất chuyên nghiệp, rất hiện đại và mới mẻ.
Trụ sở làm việc của các ban Đảng, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tỉnh Quảng Ninh được xây dựng trên cơ sở thực hiện hình thức đầu tư hợp tác công - tư, do Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà làm chủ đầu tư. Công trình được thực hiện theo hình thức đầu tư tư - sử dụng công (tỉnh cho nhà đầu tư thuê đất để xây trụ sở liên cơ quan, rồi thuê lại công trình theo giá thoả thuận đôi bên cùng có lợi), có tổng mức đầu tư trên 310 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà, cho biết: Tính từ khi chủ trương xây dựng tòa nhà làm việc liên cơ quan số 4 này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý thông qua đến ngày công trình hoàn thành đưa vào sử dụng vừa tròn 2 năm. Từ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, chúng tôi có thể khẳng định, với công trình có quy mô như này nếu sử dụng vốn ngân sách để đầu tư thì sẽ mất khoảng 4 năm thi công, xây dựng. Giờ hợp tác công - tư không chỉ rút ngắn thời gian, giảm gánh nặng cho ngân sách, giảm thất thoát trong quá trình đầu tư, tỉnh cũng không phải thành lập bộ máy để quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa... Vậy nên có thể tập trung vốn cho các công trình động lực và ở vùng đặc biệt khó khăn.
Đầu tư theo hình thức PPP đã được tỉnh Quảng Ninh khởi động từ năm 2011 với 3 hình thức là: “Lãnh đạo công - Quản trị tư”, “Đầu tư công - Quản lý tư”, “Đầu tư tư - Sử dụng công”, nhằm tái cơ cấu đầu tư, thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng. Ngày 5/12/2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU chỉ đạo các cấp uỷ lãnh đạo thí điểm áp dụng PPP.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành danh mục 64 công trình áp dụng thí điểm triển khai mô hình hợp tác công - tư và giao nhiệm vụ đầu mối thực hiện cho 14 huyện, thị xã, thành phố và 12 sở, ban, ngành. Đặc biệt ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư PPP, để khuyến khích đầu tư, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 208/2015/NQ-HĐND quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thực hiện dự án mới, dự án mở rộng trong lĩnh vực xã hội hoá tại các đơn vị vùng khó khăn; Quyết định số 2792/2015/QĐ-UBND quy định về chính sách miễn tiền thuê đất đối với các cơ sở xã hội hoá sử dụng đất tại đô thị đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường, giám định tư pháp; Quyết định số 3456/2015/QĐ-UBND quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện, quản lý dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước và dự án đầu tư theo mô hình PPP trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng cũng như dịch vụ công buộc mỗi địa phương phải tự đặt mình vào “ghế nóng” để thí điểm tiên phong vận dụng những chủ trương của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị từ cơ sở. Thí điểm thực hiện PPP, Quảng Ninh ban hành Nghị quyết tạo sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, với quan điểm Nhà nước không làm những gì doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn.
Thực tế cho thấy từ những công trình hợp tác công - tư đã được tỉnh triển khai trong thời gian qua như xây dựng các trụ sở làm việc của các cơ quan, sở, ngành, giao các công trình nhà nước đầu tư cho tư nhân quản lý đã huy động được nguồn lực của doanh nghiệp, không làm phình to bộ máy của Nhà nước trong việc vận hành hoạt động công trình nữa, gánh nặng ngân sách, biên chế từ đây cũng giảm đáng kể. Ưu việt sâu xa còn nằm ở chỗ, PPP có khả năng khắc phục những nhược điểm cố hữu của đầu tư nhà nước là thiếu tính cạnh tranh, hiệu quả thấp.
Từ hiệu quả của những công trình ban đầu, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai PPP với hàng loạt các công trình mang tính động lực, ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong nhóm các công trình về hạ tầng giao thông như: Cầu Bạch Đằng, đường dẫn cầu Bắc Luân II, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái... Không chỉ các công trình trọng điểm của tỉnh, việc triển khai hợp tác đầu tư mới này cũng nhanh chóng lan toả đến các địa phương trong tỉnh với việc thu hút thành công các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển.Việc tư nhân được tham gia vào quá trình triển khai đầu tư, quản lý công trình đã giúp tiến độ dự án được bảo đảm tốt hơn; cơ chế phân chia trách nhiệm quản lý rủi ro hợp lý, nâng cao hiệu quả dự án. Qua công - tư phát huy được thế mạnh của nhà đầu tư tư nhân trong chuyển giao công nghệ, phát minh và kỹ năng quản trị; về phía Nhà nước cũng giảm được biên chế nhân sự cho các dịch vụ công, tăng thu ngân sách từ nguồn thuế các doanh nghiệp đầu tư PPP.
PPP ở Quảng Ninh đã giải quyết được vấn đề vốn, quản lý công trình sau đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn ngân sách, tránh được những khoản nợ công. Thay vì phải bỏ một lượng vốn lớn để đầu tư một công trình thì tỉnh có thể dùng nguồn vốn đó để làm cùng lúc nhiều công trình mà vẫn đảm bảo chất lượng. Cuối cùng thì các công trình PPP vẫn là của Nhà nước sau khi các chủ đầu tư đã được hoàn vốn. Ngoài ra, đầu tư PPP còn huy động được nguồn vốn, sáng kiến, kinh nghiệm của doanh nghiệp trong công tác đầu tư và quản lý; rút ngắn thời gian thực hiện; giảm chi phí xây dựng. Còn đối với doanh nghiệp đã được tạo cơ hội để được tham gia thực hiện các công trình, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ trực tiếp khó khăn.
Bài: Lan Hương - Hồng Nhung
Trình bày: Tất Đạt
Bài 3: Để nhân rộng cách làm hay
Ý kiến ()