20
18
/
829459
Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư - Kinh nghiệm của Quảng Ninh: Đột phá từ hạ tầng
longform
Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư - Kinh nghiệm của Quảng Ninh: Đột phá từ hạ tầng


 

 

Khi cắt băng khánh thành cầu Bạch Đằng, thông xe tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng vào đầu tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đây là một đột phá quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, bởi tư duy năng động, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo địa phương, một sự táo bạo, đột phá cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Lý do để người đứng đầu Chính phủ khẳng định sự táo bạo này là bởi Quảng Ninh - tỉnh đầu tiên trong cả nước chủ động báo cáo đề xuất trung ương cho phép được dùng ngân sách tỉnh để làm tuyến đường cao tốc này.

Còn nhớ 5 năm trước khi Quảng Ninh đề xuất được dùng ngân sách tỉnh để giải phóng mặt bằng làm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, nhiều lãnh đạo bộ, ngành trung ương cảm thấy e ngại tính khả thi. Bởi từ trước đến nay việc làm cao tốc là nằm trong danh mục chi thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương và Quảng Ninh mặc dù đã là địa phương tự cân đối, có một phần đóng góp về ngân sách trung ương nhưng cũng chưa phải là giàu để làm được việc chưa có tiền lệ này. Hơn nữa, trong bối cảnh thời điểm đó nguồn thu của tỉnh phần lớn cũng vẫn đang phụ thuộc vào than và đất, mà lúc đó ngành Than đang gặp nhiều khó khăn từ khai thác đến tiêu thụ, thị trường bất động sản vẫn đóng băng… Nhưng nếu trông chờ vào ngân sách trung ương thì chưa biết đến bao giờ dự án đã được ấp ủ qua rất nhiều nhiệm kỳ, thế hệ lãnh đạo của tỉnh mới thực hiện được. Trong khi bên kia dòng sông Bạch Đằng lịch sử, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được hoàn thành, chỉ còn 25km nữa thôi thì Hạ Long sẽ kết nối vào tuyến cao tốc quan trọng này trong hành lang phát triển kinh tế khu vực phía Bắc. Cũng trong bối cảnh đó, hàng loạt các tuyến cao tốc nối lên các tỉnh Tây Bắc đều đang được rầm rộ đầu tư.

Năm 2013, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, cho phép tỉnh được dùng tiền từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vượt thu hàng năm, phần trung ương trả nợ ngân sách tỉnh đã ứng trước thực hiện dự án giao thông khác trước đó, tiết kiệm chi hàng năm, với tổng số khoảng 6.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, nối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Riêng với hạng mục dự án cầu Bạch Đằng (thuộc tổng thể dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng) sử dụng vốn theo hình thức BOT.

Năm 2014 cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được khởi công xây dựng với tổng nguồn vốn cả đường và cầu gần 14.000 tỷ đồng (trong đó ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng). Ngày 1/9/2018, 26km đường cao tốc và cầu Bạch Đằng chính thức khánh thành và thông xe nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội. Tuyến cao tốc này đã góp phần quan trọng phát huy thêm giá trị của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thúc đẩy liên kết vùng, kết nối toàn khu vực và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, mở thêm những không gian và cơ hội phát triển kinh tế toàn khu vực.

 

Hoàn thành giấc mơ khởi đầu nan về tuyến cao tốc đầu tiên, vẫn cách làm hợp tác công - tư (PPP), Quảng Ninh kêu gọi nhà đầu tư làm cảng hàng không quốc tế, khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp có casino, ngân sách tỉnh làm hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trong toàn Khu Kinh tế Vân Đồn, tạo tiền đề để xây dựng Đặc khu Vân Đồn trong thời gian tới. Hiện nay với khoảng 55.000 tỷ đồng của các tập đoàn Sun Group, FLC đầu tư vào đang góp phần rất quan trọng đánh thức chú sư tử Vân Đồn, để trên bản đồ đầu tư của các doanh nghiệp Vân Đồn đang được nhắm đến như sự lựa chọn cho tương lai.

Cùng với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, sân bay quốc tế, khu phức hợp giải trí có casino Vân Đồn, cũng chỉ trong thời gian chưa đến 3 năm Quảng Ninh tiếp tục chuẩn bị có thêm tuyến cao tốc thứ 2 nối Đặc khu Vân Đồn với Hà Nội và chuẩn bị làm tuyến cao tốc thứ 3 nối cửa khẩu quốc tế Móng Cái, thành phố vùng biên với thủ đô Hà Nội.

Nhìn trong cả nước đến thời điểm này, Quảng Ninh vẫn đang là tỉnh đi đầu, đột phá trong xây dựng cơ chế, đề nghị Chính phủ cho phép tự đầu tư làm đường cao tốc, sân bay, hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn tự huy động. Với gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện GPMB và trên 32.500 tỷ đồng huy động đầu tư theo hình thức BOT, Quảng Ninh đã làm được Cảng hàng không, gần 200km đường cao tốc. Đồng thời chủ động xây dựng mô hình và vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn, tính từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được gần 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, bằng cách lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư (1 đồng ngân sách lôi kéo thu hút được 8,3 đồng đầu tư ngoài ngân sách) PPP Quảng Ninh không chỉ giải tỏa cơn khát hạ tầng cho chính Quảng Ninh, mà còn là cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2915 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

 

Tính trong 6 năm gần đây, việc huy động được trên 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội là kỳ tích của Quảng Ninh. Tại phiên họp cuối năm 2017 của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Quảng Ninh - một điển hình về cách làm trong lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Từ đó tạo ra sức hút mới của Quảng Ninh, sự chuyển dịch rõ nét về cơ cấu kinh tế từ tỉnh công nghiệp than sang dịch vụ du lịch, hướng phát triển của nền kinh tế xanh bền vững.

Bài: Lan Hương - Hồng Nhung

Trình bày: Tất Đạt

Bài 2: Khơi thông nguồn lực con người và xã hội

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu