Làm báo thời @
Trong một dịp gặp gỡ, một nhà báo lão thành tâm sự với các nhà báo trẻ: Các bạn giờ làm báo sướng thật, thuận đủ mọi cái, chẳng như chúng tôi ngày xưa...
Cái “sướng” mà nhà báo lão thành nói đó là vai trò, vị thế của thông tin nói chung, báo chí nói riêng ngày càng quan trọng trong đời sống thường nhật của xã hội. Lĩnh vực truyền thông đã trở thành biện pháp lãnh đạo, điều hành của chính quyền, doanh nghiệp. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động báo chí, đội ngũ những người làm báo cùng các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo tỉnh.
Đặc biệt, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã tác động to lớn đối với báo chí và nghề báo. So với mươi mười lăm năm trước, những cái “sướng” như nhà báo lão thành kia kể, thời nay quả là sướng thật còn gì. Tuy nhiên, những vất vả, khó khăn của nghề báo thời nay cũng hơn rất nhiều ngày trước. Đầu tiên phải kể đến đó là áp lực công việc. Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, người xem đòi hỏi báo chí phải thông tin nhanh, kịp thời về các sự kiện diễn ra hàng ngày trong xã hội. Vì thế đã tạo ra cuộc cạnh tranh thông tin giữa các cơ quan báo chí, từ phạm vi cả nước đến trong tỉnh. Tất nhiên, việc cạnh tranh đó là tất yếu và hơn nữa còn góp phần thúc đẩy báo chí phát triển. Để có thông tin nhanh, không chỉ đòi hỏi nhà báo nhanh nhạy trong thu thập, phân tích, đánh giá, mà còn đòi hỏi nhà báo tác nghiệp nhanh. Nếu tác phẩm báo chí không được tập trung thực hiện rất dễ dẫn đến tình trạng thông tin được công bố thiếu chính xác, không đầy đủ, nhầm lẫn.
Về chủ quan, sự bùng nổ của công nghệ thông tin bên cạnh mang lại những tiện ích to lớn thì nó cũng nảy sinh những tiêu cực trong hoạt động. Đó là tình trạng sao chép, “đạo” các tác phẩm báo chí. Sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh khiến ai cũng có thể ghi được hình nhưng nó cũng khiến cho không ít nhà báo ỷ lại vào công nghệ mà ít đầu tư vào sáng tạo tác phẩm. Những năm qua, trong các giải báo chí cấp tỉnh hay cấp quốc gia, giải cho ảnh báo chí luôn thiếu và yếu có một phần từ nguyên nhân này.
Một cái khó khác không thể không nói đến áp lực công việc của nhà báo thời nay. Đó là mặc dù được pháp luật, chính quyền, tổ chức Hội Nhà báo, cơ quan báo chí bảo vệ nhưng khi viết về tiêu cực, nhà báo rất dễ bị các đối tượng bị phê phán đe doạ tính mạng bản thân, gia đình. Xả thân để có tác phẩm báo chí chống tiêu cực hiệu quả, thực hiện đúng nhiệm vụ của nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hay chùng bút để trước hết bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình? Để mỗi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam vượt lên mối băn khoăn này, rất cần sự ủng hộ của công chúng, bạn đọc báo chí.
Nghề nào cũng có cái dễ và cái khó. Nghề báo cũng vậy. Có một điều chắc chắn rằng để trở thành một nhà báo “có tâm, có tầm”, ngoài “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, mỗi nhà báo cần có kiến thức, sự dũng cảm, nhạy bén. Mà để có những điều ấy, điều tiên quyết là mỗi nhà báo cần không ngừng tự trau dồi, học tập nâng cao kiến thức, lý luận chính trị, trình độ nghề nghiệp cho bản thân. Ngoài các dịp tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ, mỗi người có thể học từ các đồng nghiệp, tự học qua sách hay học bằng cách rút kinh nghiệm từ chính tác phẩm của mình.
Đại Dương
Ý kiến ()