Lại chuyện đường phố, số nhà
Hàng loạt các cơ quan nhà nước của Quảng Ninh không có địa chỉ cụ thể. Đơn cử Hội Nông dân tỉnh thông báo mời thầu mà địa chỉ chỉ là “phường Hồng Hà, TP Hạ Long”. Khi hỏi dịch vụ bưu điện 1080 về địa chỉ Sở Tài nguyên và Môi trường thì được trả lời là “phường Hồng Hà, Hạ Long”, yêu cầu cụ thể hơn, thì được đáp “ở Cột 8”! Có số điện thoại, chúng ta có thể tra danh bạ điện thoại trên mạng internet để biết địa chỉ. Bằng cách này các nhà đầu tư chỉ biết vẻn vẹn địa chỉ là “Hồng Hải, TP Hạ Long” (của Sở Xây dựng), “Hồng Hà, TP Hạ Long” (của Sở Kế hoạch và Đầu tư)...
Không có số nhà, đường phố cụ thể đã gây khó khăn, nhưng khi có lại rối rắm hơn. Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh mới thành lập đã thông báo trên báo Quảng Ninh địa chỉ trụ sở làm việc là “Số 20, tổ 6, khu 6, phố Hải Phượng, phường Hồng Hải, TP Hạ Long”. Với địa chỉ này thì tìm được quả là thách đố. Chuyện gắn số nhà trên đường Nguyễn Văn Cừ của TP Hạ Long là việc mà chưa một đô thị nào...dám làm. Đường Nguyễn Văn Cừ chạy dọc phường Hồng Hải và phường Hồng Hà. Số nhà trên đường Nguyễn Văn Cừ qua phường nào cũng được đánh từ “1 đến N”, thế là trùng nhau toé loe. Ai mà biết được nhà số “X” đường Nguyễn Văn Cừ này là của phường Hồng Hải hay của phường Hồng Hà?
Đường phố phía sau trụ sở Tỉnh uỷ (khu 3, phường Hồng Hà) đã gắn biển số nhà trên cơ sở đề nghị mang tên Hoàng Văn Thụ. Thế nhưng ở phường Hà Lầm cũng đã có đường phố Hoàng Văn Thụ. Không chỉ khó khăn trong giao dịch mà sẽ rất rắc rối nếu TP Hạ Long có hai đường phố Hoàng Văn Thụ.
Những vấn đề trên không chỉ là của TP Hạ Long, cần được các đô thị rút kinh nghiệm trong việc đặt tên đường phố, gắn biển số nhà. Trong tình hình mở mang đô thị như hiện nay, cần thiết việc đặt tên đường phố, gắn biển số nhà cũng phải có nghiên cứu, có quy hoạch cụ thể.
Ý kiến ()