Kỳ tích trong quản lý, bảo tồn Di sản Vịnh Hạ Long
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã có nhận xét như vậy khi nói về việc di dời các làng chài lên bờ, phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Theo bà, năm 2013, các chuyên gia của 20 quốc gia của Uỷ ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) đã thống nhất đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo tồn Vịnh Hạ Long. Uỷ ban đã ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam, của tỉnh Quảng Ninh trong việc giữ gìn môi trường Vịnh, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường của Di sản từ các khu công nghiệp xung quanh Vịnh. Quảng Ninh đã xây dựng được kế hoạch tổng thể mới quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long trong dài hạn và có điều chỉnh trong từng năm, trong đó có việc tránh phá núi, lấp biển.
Đặc biệt, điều mà bà Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam coi là một kỳ tích trong việc bảo tồn, giữ gìn Di sản là tỉnh Quảng Ninh đã di dời thành công hàng trăm hộ dân sinh sống bao đời nay trên Vịnh lên bờ và có cuộc sống ổn định, thuận tiện hơn. Điều này vừa đạt được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, vừa làm cho môi trường sạch đẹp hơn mà vẫn giữ được các giá trị văn hoá của các làng chài phục vụ cho hoạt động du lịch. Một điều nữa được bà ghi nhận là địa phương đã giảm thiểu được tình trạng đô thị hoá, tình trạng quá tải khách du lịch tác động đến Di sản; hạn chế việc xả rác và những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường Vịnh…
Vịnh Hạ Long với các giá trị độc đáo, đặc sắc về cảnh quan và địa chất, địa mạo nên đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, trong đó lần đầu tiên là năm 1994 và năm 2011 được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Điều này là niềm vinh dự, tự hào của người dân Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề cho các cấp, các ngành, địa phương trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản. Bởi lẽ, giờ đây Vịnh Hạ Long không còn là của riêng Quảng Ninh - Việt Nam mà đã là di sản của cả thế giới. Bảo vệ, gìn giữ nó giờ đây là trách nhiệm của mọi công dân trên toàn cầu…
Ý thức được trách nhiệm đó, trong 20 năm qua, tỉnh Quảng Ninh với tư cách là địa phương trực tiếp quản lý Di sản đã có rất nhiều nỗ lực, giải pháp trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động xâm hại, tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường Vịnh. Đặc biệt là đã có nhiều quyết định, biện pháp giảm thiểu những tác động xấu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, đô thị hoá, xả thải… đến môi trường Vịnh. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn Di sản. Bởi vậy, cộng đồng đã tích cực vào cuộc, người dân ý thức hơn với việc bảo vệ môi trường Vịnh. Các cảnh báo của UNESCO về môi trường Vịnh đã được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và người dân nhanh chóng khắc phục và đề ra các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa. Bởi vậy, Vịnh Hạ Long đã sớm được đưa ra khỏi danh sách cảnh báo…
Di sản Vịnh Hạ Long mới bước vào tuổi 20, chắc chắn trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản sẽ còn nhiều việc phải làm. Tự hào, vinh dự về Di sản, chúng ta cần phải tiếp tục chung tay, chung sức, chung chí hướng để Hạ Long mãi mãi đẹp, mãi mãi xanh, lan toả những giá trị...
Thanh Tùng
Ý kiến ()