
Kịp thời hỗ trợ vốn vay đến người cần
Năm 2025, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh tiếp tục triển khai gói vay vốn hỗ trợ sản xuất với tổng vốn 208 tỷ đồng. Trước đó, tháng 9/2024, ngay sau cơn bão số 3 Yagi đi qua, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã triển khai gói vay vốn hỗ trợ sản xuất với tổng vốn gần 288 tỷ đồng. Đáng nói nguồn của gói vốn hỗ trợ sản xuất nói trên là vốn ngân sách tỉnh (thuộc nguồn vốn tỉnh dành để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025) uỷ thác cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh giải ngân.
Tại báo cáo số 96 ngày 24/4/2025 của UBND tỉnh đánh giá: Gói vốn vay hỗ trợ sản xuất do Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh triển khai từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp có tính kịp thời hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất ngay sau bão số 3, được người dân đồng thuận cao. Gói vốn vay này thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với người dân khắc phục sau bão, tạo sinh kế việc làm ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Các hộ vay khai thác thủy sản sau khi có nguồn thu đã hoàn trả một phần vốn vay.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&MT cho biết: Cơ sở của việc tỉnh quyết định ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng CSXH là việc trước đó UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 866/VPUBND-VHXH ngày 19/2/2024 chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15. Trên cơ sở quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 33/2024/QĐ-UBND ngày 13/9/2024 quy định điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ ủy thác qua Ngân hàng CSXH thuộc nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Ngay sau khi tỉnh ban hành quyết định về ủy thác nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh giải ngân, Sở NN&MT đã tổ chức xây dựng phương án và kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn tín dụng hỗ trợ. Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương đến người dân, đồng thời chỉ đạo các phòng giao dịch thuộc Ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Tại các điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH đặt tại trụ sở UBND cấp xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, công khai chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất đảm bảo đúng chủ trương, đúng đối tượng thụ hưởng, phối hợp rà soát các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vốn để giải ngân kịp thời phục vụ cho người dân phát triển sản xuất, trong đó ưu tiên vốn những hộ gia đình, người lao động bị ảnh hưởng của bão số 3 năm 2024 để sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Đăng Kiệm, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh chia sẻ: Ngay khi được cấp vốn, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Trưởng các thôn, Tổ Tiết kiệm và vay vốn rà soát các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để hoàn thiện hồ sơ triển khai cho vay kịp thời hỗ trợ phát triển sản xuất.
Từ năm 2024 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp nguồn vốn gần 496 tỷ đồng cho Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh, trong đó năm 2024 cấp gần 288 tỷ đồng, năm 2025 cấp 208 tỷ đồng. Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh đã triển khai cho 5.151 khách hàng vay với số tiền gần 456 tỷ đồng, trong đó các hộ vay có nguồn thu đã hoàn trả một phần vốn vay. Dư nợ tính đến 17/4/2025 đạt 446,332 tỷ đồng. Hiện Ngân hàng CSXH tỉnh đang tiếp tục phối hợp tiếp nhận hồ sơ để giải ngân cho người dân dự kiến đến hết tháng 5/2025 hoàn thành 100% kế hoạch giao.
Đáng mừng là đối tượng tiếp cận nguồn vốn vay này chủ yếu là người lao động với 5.069 khách hàng với số tiền 446,152 tỷ đồng; 2 hộ mới thoát nghèo vay với số tiền 130 triệu đồng; 1 hộ có mức sống trung bình với số tiền 50 triệu đồng. Đồng thời nguồn vốn đầu tư vào sản xuất theo các lĩnh vực lâm nghiệp với 209 tỷ đồng với 2.347 khách hàng vay còn dư nợ; lĩnh vực thủy sản với 143 tỷ đồng với 1.584 khách hàng vay; cho vay lĩnh vực chăn nuôi với 75 tỷ đồng với 930 khách hàng vay; còn lại là cho vay các lĩnh vực khác.
Có thể thấy, chính sách ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng CSXH đã phát huy tác dụng tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Chính sách này cần được tiếp tục duy trì và nhân rộng, nhất là trong điều kiện hiện nay, tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo, cận nghèo, người dân chỉ đủ điều kiện thụ hưởng chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và rất cần vốn để duy trì hoạt động sản xuất phát triển kinh tế gia đình.
Ý kiến ()