Kinh hoàng rác thải y tế
Theo quy định của Bộ Y tế, rác thải y tế phải được phân loại, quản lý và xử lý theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt. Thế nhưng trong các vụ việc được phát hiện vừa qua rất nhiều loại rác thải y tế như bơm kim tiêm, dây truyền dịch, can lọ đựng hoá chất, găng tay... trong đó có những thứ vẫn còn dính máu đã được tuồn bán lại cho tư thương với số lượng lớn.
Điều khiến mọi người kinh hoàng và giật mình là các loại rác thải này được tư thương thu gom, bán lại cho các cơ sở tái chế nhựa. ở Hà Nội có thôn Triều Khúc (xã Tân Triều - Thanh Trì) có rất nhiều cơ sở thu mua rác thải y tế và chế biến chúng thành hạt nhựa, sau đó bán lại cho các xưởng sản xuất đồ nhựa. Kinh khủng hơn là nhiều găng tay cao su đã qua sử dụng được người thu mua giặt lại, làm mới rồi bán ra thị trường. Và như vậy nguy cơ gây hại cho sức khoẻ người dân là rất lớn. Ai dám chắc rằng trong số các đồ dùng sinh hoạt bằng nhựa củagia đình, găng tay của người nội trợ hiện nay không có các sản phẩm được tái chế từ rác thải y tế?
Từ việc phát hiện rác thải y tế của các bệnh viện được bán ra ngoài cho tư thương cho thấy, công tác quản lý rác thải y tế ở các bệnh viện hiện nay còn rất lỏng lẻo (mặc dù đã có quy chế). Một số cán bộ, nhân viên của các bệnh viện đều thừa nhận như vậy.
Trước vấn đề bức xúc này, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra toàn diện việc thực hiện Quy chế quản lý chất thải y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc; xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm. Tại các địa phương cũng phải có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Quy chế quản lý chất thải y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn. Người phụ trách các cơ sở y tế chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng các loại chất thải y tế không được xửlý theo đúng quy chế hiện hành và để bán ra ngoài trái quy định.
Ý kiến ()