Không thể ''đầu voi đuôi chuột''
Những ngày đầu việc triển khai và thực hiện quy định này khá nghiêm túc. Hàng trăm trường hợp vi phạm đã được nhắc nhở, xử lý; nhiều phương tiện bị tạm giữ v.v. Lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên có mặt trên các tuyến đường và tại các điểm nút giao thông. Vì vậy ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân đã tốt hơn, số người đội mũ bảo hiểm đạt tỷ lệ cao.
Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn việc chấp hành đội mũ bảo hiểm đã không còn được nghiêm nữa. Trên các tuyến quốc lộ có thể bắt gặp rất nhiều trường hợp người điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông. Hoạ hoằn lắm mới thấy có lực lượng chức năng đi tuần tra nhưng số người vi phạm bị xử lý lại rất ít (!?). Đấy là vào ban ngày, còn ban đêm thì thật “thoải mái” ai muốn đội thì đội, không đội cũng chẳng sao. Họ thản nhiên và vô tư vi phạm pháp luật (!).
Vẫn biết rằng, đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ tính mạng cho chính mình. Việc đội mũ giờ đây không còn mang tính vận động, tự nguyện nữa mà đã trở thành một quy định bắt buộc và mọi người phải chấp hành. Người nào không thực hiện là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý. Đó cũng là biện pháp để nâng cao ý thức của người dân. Đáng tiếc là ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông còn kém. Để xảy ra tình trạng này có một phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đã không triển khai một cách thường xuyên và triệt để; việc xử lý chưa có tính răn đe. Nhiều người vẫn thường có một tính xấu là người nọ nhìn người kia, thấy ai đó mặc dù vi phạm pháp luật nhưng không bị xử lý là học theo, làm theo gây phức tạp cho công tác quản lý ANTT.
Vì vậy để hình thành một nền nếp tốt trong việc chấp hành trật tự ATGT, các lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh tình trạng khi mới triển khai thì nghiêm túc, rầm rộ sau đó lỏng dần, coi nhẹ dẫn đến người dân nhờn với pháp luật…
Ý kiến ()