
Không thể chủ quan trong phòng, chống dịch ở vùng sâu, vùng xa
Ca bệnh mắc dịch Covid-19 ở Hà Giang (bệnh nhân 268) được Bộ Y tế công bố sáng ngày 16/4, đã khiến không ít người giật mình. Bởi lẽ bệnh nhân 16 tuổi, người dân tộc Mông này cư trú tại một thôn rất hẻo lánh, xa xôi thuộc huyện Đồng Văn của tỉnh miền núi, biên giới Hà Giang - nơi trong suy nghĩ của nhiều người thì dịch bệnh khó có thể lây lan đến. Hơn nữa, đây còn là một địa phương vừa được xếp trong nhóm các tỉnh có nguy cơ thấp. Tuy nhiên, với trường hợp này lại có yếu tố dịch tễ, nơi cư trú của bệnh nhân có nguy cơ cao.
Theo điều tra dịch tễ, thôn mà bệnh nhân sinh sống gần biên giới với Trung Quốc - nơi khởi phát và là tâm dịch ở khu vực châu Á trong giai đoạn đầu của dịch bệnh Covid-19. Hơn nữa, trong gia đình bệnh nhân còn có 3 người anh làm việc tự do ở bên kia biên giới nên cũng tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm bệnh từ bên ngoài vào do tiếp xúc với những người này.
Hiện tại, bệnh nhân 268 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, Hà Giang. Từ trường hợp của bệnh nhân 268 đặt ra cho các cấp, các ngành, địa phương và lực lượng chức năng của tỉnh không thể chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các địa bàn xa xôi, hẻo lánh, những địa phương có đường biên giới với Trung Quốc và cả ở những huyện đảo, xã đảo thuộc tỉnh. Bởi thực tế, Quảng Ninh có 3 địa phương tiếp giáp Trung Quốc là TP Móng Cái và các huyện Hải Hà, Bình Liêu với tuyến biên giới trên bộ dài hàng trăm km, có các cửa khẩu và nhiều đường mòn, lối mở với nước bạn. Nhiều người dân ở hai bên biên giới lại có mối quan hệ lâu đời. Đặc biệt, trong những năm qua, có một bộ phận người lao động thuộc các địa phương giáp biên của tỉnh thường qua lại bên kia biên giới để làm thuê, lao động kiếm tiền. Còn trên tuyến biển thì có các tàu của nước ngoài vào thu mua hải sản, vận chuyển hàng hóa v.v.. Đây là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh vào địa bàn.
Với Quảng Ninh, kể từ khi dịch mới bùng phát, lây lan ở Trung Quốc, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cấp bách, biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, mặc dù trong giai đoạn đầu của dịch bệnh Quảng Ninh được xác định là một trong những trọng điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lây nhiễm bệnh, nhưng do chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nên đã không để dịch lây lan trên địa bàn. Thậm chí, Quảng Ninh còn thực hiện tốt nhiệm vụ đón nhận, tổ chức chu đáo việc cách ly cho hàng ngàn người Việt từ bên kia biên giới trở về nước tránh dịch. Và cho đến nay, tuy tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đã được khống chế, kiểm soát nhưng các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch ở các địa phương, nhất là các địa bàn biên giới vẫn được thường trực ở mức cao. Trong đó, trên tuyến biên giới đất liền lực lượng liên ngành, trong đó nòng cốt là bộ đội biên phòng vẫn ngày đêm tuần tra, canh gác đảm bảo ngăn chặn mọi trường hợp nhập cảnh trái phép - các đối tượng có thể mang theo mầm bệnh từ nước ngoài vào nội địa.
Tuy đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch ở tuyến biên giới, song từ thực tế ca bệnh mới đây ở Hà Giang, đòi hỏi chúng ta không được phép chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, không chỉ ở miền xuôi, khu đô thị nơi đông dân cư, mà cả ở những nơi hẻo lánh, xa xôi thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo - địa bàn thường được coi là có nguy cơ thấp. Kể cả khi số ca mắc bệnh mới giảm mạnh và không có như những ngày gần đây. Có như vậy, công tác phòng chống, ngăn chặn dịch mới triệt để và đạt hiệu quả cao...
Thanh Tùng
Ý kiến ()