Không thể chậm trễ!
Những ngày qua, dư luận - nhất là những người quan tâm, yêu mến Vịnh Hạ Long không khỏi giật mình, lo ngại trước thông tin khoảng 7.000 lít dầu trong máy biến thế chứa chất PCB - hoá chất siêu độc hại chỉ sau dioxin lưu giữ trong điều kiện không bảo đảm tại cảng Cái Lân. Theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu chẳng may 7.000 lít dầu trên tràn xuống Vịnh Hạ Long sẽ là hiểm hoạ khôn lường cho di sản.
PCB (viết tắt của chữ Polychlorinated Biphenyls) là hợp chất thơm của halogen, thuộc nhóm hoá chất hữu cơ độc hại bền vững trong môi trường với bốn đặc tính: Độc tính cao, khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên, khả năng di chuyển và phát tán xa và khả năng tích tụ sinh học cao. Trong ứng dụng, PCB thường được sử dụng làm phụ gia trong dầu của các thiết bị điện. Theo các nhà khoa học, PCB có thể gây ngộ độc cấp tính với người như nổi mụn, cháy da, bỏng mắt. Về lâu dài, PCB - dù ở nồng độ nhỏ cũng phá huỷ gan, rối loạn sinh sản, biến đổi gene, gây ung thư, quái thai, dị dạng...
Báo Tiền Phong dẫn nguồn tin từ Chi cục Hải quan cảng Cái Lân cho biết, tháng 11-2007, Công ty CP Đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty CP Đầu tư Cửu Long, trụ sở tại Hải Phòng) nhập về một lô hàng thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc để phục vụ lắp đặt thi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Định. Khi lô hàng về cảng Cái Lân, các cơ quan chức năng đã phát hiện một trong ba máy biến thế của lô hàng có chất PCB trong dầu biến thế. Theo quy định, PCB là chất thải nguy hiểm chỉ được nhập khẩu với mục đích quản lý chất thải an toàn. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không thể tái xuất do đối tác từ Hàn Quốc từ chối nhận lại. Kể từ đó, máy biến thế chứa khoảng 7.000 lít dầu trên vẫn nằm ở cảng Cái Lân, chỉ được phủ bạt lên trên. Qua thời gian, máy đã rỉ sét nhiều. Tình trạng rò rỉ dầu biến thế nhiễm PCB đã xảy ra.
Tháng 5-2014, Công ty CP Đầu tư Cửu Long, Sở TN-MT, Chi cục Hải quan cảng Cái Lân đã tiến hành hút từ máy biến thế toàn bộ số dầu chứa chất PCB trên ra các phuy. Thân máy biến thế, gạch lát nền và cát xung quanh máy biến thế cũng được đào lên, được bảo quản trong 2 congtainer đặt tại kho bãi của cảng Cái Lân. Tuy nhiên, việc lưu trữ, bảo quản này cũng không theo một quy chuẩn nào. Theo ông Hoàng Danh Sơn, Phó Giám đốc Sở TN-MT, hiện vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tràn số dầu nhiễm PCB này ra môi trường, nhất là trong mùa mưa bão.
Qua báo chí, một vị lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết đã “giật mình” khi nghe tin vụ việc trên. Không riêng vị này, hẳn sẽ có nhiều người nữa giật mình bởi một mối đe doạ lớn đối với môi trường Vịnh Hạ Long như thế mà tồn tại, kéo dài. Đáng lo ngại là cái cách mà các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc xem ra đang “vòng vo Tam quốc”. Lãnh đạo Sở TN-MT cho biết đã có công văn báo cáo Bộ TN-MT xem xét và có công văn yêu cầu Công ty CP Đầu tư Cửu Long lên phương án vận chuyển hai container trên về kho lưu giữ của công ty tại Hải Phòng nhưng đến nay chưa có hồi âm. Bộ TN-MT lại cho biết đang chờ phương án xử lý của doanh nghiệp gửi lên. Trong khi đó, lãnh đạo Sở TN-MT Hải Phòng thì bày tỏ không muốn cho phép đưa lô hàng độc hại trên về địa bàn Hải Phòng.
Năm 1999, 25 lít dầu chứa chất PCB tràn ra một khu vực thu gom rác thải tái chế làm thức ăn gia súc khiến nước Bỉ tốn mất hơn 1 tỷ đô la để giải quyết hậu quả. Khoan hãy nói về trách nhiệm đúng, sai; vai trò quản lý, tham mưu của các cơ quan quản lý nhà nước đến đâu, điều dư luận mong mỏi nhất lúc này là các cơ quan chức năng cần phối hợp giải quyết vụ việc, chuyển hai container độc hại kia ra khỏi cảng Cái Lân đưa đến nơi thích hợp để xử lý. Vì di sản thế giới Vịnh Hạ Long và vì chính cuộc sống của con người, không thể chậm trễ được nữa!
Đại Dương
Ý kiến ()