Không được phép chủ quan
Đây là điều rất đáng mừng thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và cần phải tiếp tục làm thật tốt công tác phòng, chống dịch. Tuy dịch đang có chiều hướng chững lại, song các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và người dân không vì thế mà được phép chủ quan, lơ là với dịch. Thực tế cho thấy các nguy cơ bùng phát, lây lan dịch còn rất lớn; theo các chuyên gia, vi khuẩn tả có thể tồn tại lâu dài tới 2-3 năm trong một số loại thực phẩm như nghêu, sò...
Tính đến chiều ngày 13-11, theo thông báo của Bộ Y tế ở 14 tỉnh, thành phố phát dịch đã có tổng số 1.713 bệnh nhân, trong đó có 226 ca dương tính với vi khuẩn tả và đã có 670 ca được điều trị khỏi. Tuy chưa có trường hợp nào tử vong do dịch nhưng thực tế đây là một dịch bệnh rất nguy hiểm, lây lan nhanh và khả năng gây tử vong cao. Hiện tại dịch vẫn có nguy cơ tái phát cao vì số lượng người lành mang bệnh rất lớn, phẩy khuẩn tả vẫn tồn tại trong môi trường và đặc biệt là thói quen sinh hoạt, ăn uống của người dân còn tuỳ tiện, chưa khoa học. Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, nếu công tác phòng, chống dịch không tốt, không triệt để có thể dịch sẽ quay trở lại vào mùa đông - xuân sắp tới và dịp hè năm 2008.
Để giữ vững kết quả đã đạt được, chính quyền các cấp và ngành Y tế phải luôn luôn “hâm nóng” công tác phòng, chống dịch; chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ kế hoạch, phương án đối phó khi có dịch xảy ra. Đặc biệt phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành Y tế về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước sạch và xử lý khi có người mắc bệnh.
Xây dựng và hình thành nếp sống, sinh hoạt hằng ngày văn minh, khoa học, loại bỏ các thói quen ăn uống tuỳ tiện không đảm bảo vệ sinh, tẩy chay các loại thực phẩm không an toàn là cách tốt nhất để mỗi người chúng ta tự bảo vệ mình khỏi sự xâm nhập của các loại dịch bệnh.
Ý kiến ()