
Mây đĩa bay lại xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen
Những đám mây đĩa bay xuất hiện trên núi Bà Đen được giới khoa học gọi là mây dạng thấu kính, đó là những đám mây cố định hình thành chủ yếu ở tầng đối lưu, thường song song với hướng gió.
Sáng nay 19/5, hình ảnh mây đĩa bay lại xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh), nhiều người thích thú chia sẻ hình ảnh trên các trang mạng xã hội.
Theo đó, hình ảnh mây đĩa bay được cho là xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen sáng nay, được một fanpage có gần 300.000 lượt theo dõi chia sẻ. Sau đó, bài viết được nhiều người quan tâm, bình luận.

Ông Lê Đình Quyết, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, những đám mây đĩa bay xuất hiện trên núi Bà Đen được giới khoa học gọi là mây dạng thấu kính, đó là những đám mây cố định hình thành chủ yếu ở tầng đối lưu, thường song song với hướng gió. Nhìn bên ngoài, ta thấy giống như một chiếc thấu kính hoặc đĩa bay.
3 loại mây dạng thấu kính chính gồm mây trung tích (Altocumulus) dạng thấu kính đứng, là các khối mây có cấu tạo hình cầu thành lớp hay các đường. Mây tầng tích (Stratocumulus), giống thấu kính phẳng hoặc quả hạnh nhân. Loại mây này hình thành do sóng hấp dẫn từ gió đi qua chướng ngại vật tạo ra.
Còn mây ti tích (Cirrocumulus) là những đám mây mịn có dạng thấu kính. Chúng thường hình thành ở các đỉnh của sóng, có thể khá dài và thường có ranh giới rất rõ ràng, đôi khi nảy sinh hiện tượng mống mắt. Loại mây này hình thành khi không khí ổn định bị đẩy lên trên, phần lớn là do địa hình tạo ra (ví dụ như ngọn núi).

Loại mây dạng thấu kính mà ta thấy trên đỉnh núi Bà Đen ở Tây Ninh thuộc loại mây trung tích, tiếng Latin là Altocumulus lenticularis. Nó là một đám mây dạng thấu kính, có thể giống đĩa bay hoặc bị nhầm với "vật thể bay không xác định".
Mây trung tích dạng thấu kính thường hình thành khi không khí ẩm, ổn định va chạm với một vật thể đứng yên lớn, chẳng hạn như một tòa nhà hoặc một ngọn núi. Chúng có nhiều khả năng hình thành nhất khi hướng chúng di chuyển vuông góc với hướng gió.
Lý giải về nguyên nhân mây thường hình thành trên đỉnh núi, ông Quyết cho biết các ngọn núi thường hình thành những đám mây tầng thấp nhưng tan nhanh, nhất là những núi đứng độc lập (xung quanh là địa hình thấp, bằng phẳng).
Càng lên cao nhiệt độ càng giảm, độ ẩm không khí cao. Do đó nhiệt độ của phần đỉnh núi và chân núi sẽ chênh lệch nhau dẫn đến việc dễ hình thành mây trên đỉnh núi, đặc biệt với các núi có độ cao từ 700 - 1.000m.
Ý kiến ()