Không chủ quan, mất cảnh giác với hoàn lưu bão số 1
Bão số 1 (Talim) đã và đang suy yếu khi vào đến đất liền. Tuy nhiên công tác phòng, chống tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thực hiện đúng tinh thần “3 trước, 4 tại chỗ”. Đặc biệt là các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, cùng người dân trên địa bàn tỉnh hết sức cảnh giác với hoàn lưu sau bão, dự báo sẽ có mưa lớn, kéo dài, cảnh báo có thể xảy ra ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, sau khi vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), bão số 1 đi sâu vào Quảng Tây, cách biên giới với Quảng Ninh, Lạng Sơn khoảng 60-80km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão, từ ngày 19/7, ở khu vực Đông Bắc (trong đó có Quảng Ninh) tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; khu vực Tây Bắc có mưa to với lượng mưa 50-150mm, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-70mm. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên.
Các sông suối nhỏ khu vực tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn có khả năng xuất hiện lũ cục bộ. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên và Thanh Hóa.
Như vậy đến ngày hôm nay, bão số 1 đã suy yếu, tuy nhiên dự báo mưa lớn hoàn lưu sau bão là rất phức tạp. Chính vì vậy, các địa phương, đơn vị, sở, ban, ngành liên quan phải hết sức cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với hoàn lưu sau bão, tăng cường chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể gây ra, trọng tâm là bảo đảm tính mạng, tài sản cho người dân.
Các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai ngay các giải pháp ứng phó với hoàn lưu của bão, nhất là các địa phương miền núi, ven biển và khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản, khai thác than, các mỏ đất, dự án, công trình… Đặc biệt phải bố trí người trực 24/24 giờ tại các vị trí ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở..., kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại, bảo đảm nhân lực, thiết bị xử lý hiệu quả các tình huống nảy sinh. Kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu, nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, kiên quyết di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực không đảm bảo an toàn; rà soát, kiểm tra hệ thống đê, kè, kênh, mương, cống tiêu, thoát nước ở các khu vực đô thị, khu đông dân cư, các vùng nuôi trồng thủy sản... sẵn sàng phương án xử lý khi có tình huống ngập lụt, không để xảy ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng, kéo dài.
Hoàn lưu sau bão dự báo có mưa lớn kéo dài, vì vậy các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, triển khai ngay phương án đảm bảo an toàn các hồ, đập chứa nước và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để điều tiết các hồ, đập bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn cho công trình theo đúng quy trình, quy định, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý cảnh báo sớm và hướng dẫn người dân ở hạ du cách ứng phó trong trường hợp cần thiết phải xả lũ. Cùng với đó, các đơn vị ngành Than và các địa phương có hoạt động khai thác than cần đảm bảo tuyệt đối an toàn bãi thải mỏ, nhất là các bãi thải có độ cao lớn, nằm gần khu vực dân cư; thực hiện di dời dân đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp phòng chống mưa bão hiệu quả, đặc biệt là chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1.
Bão số 1 đã suy yếu, nhưng những ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão vẫn còn, đặc biệt là có mưa lớn kéo dài dẫn đến có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất đi kèm. Chính vì vậy các địa phương, sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là mỗi người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, chủ động ứng phó với hoàn lưu sau bão, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Ý kiến ()