Khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh đã bắt tay xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025.
Tỉnh quyết tâm giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt ở các địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin), đảm bảo hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 0,08%/năm, khu vực thành thị giảm trung bình 0,03%/năm, khu vực nông thôn giảm trung bình 0,15%/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2025 còn dưới 0,25%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân hằng năm 0,27%/năm, tỷ lệ hộ cận nghèo đến cuối năm 2025 còn dưới 0,5%.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện lồng ghép Chương trình giảm nghèo với Chương trình phát triển kinh tế xã hội và gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, thôn, bản, đặc biệt là các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đã được đầu tư xây dựng và hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Đến năm 2022, tỉnh Quảng Ninh không có huyện nghèo, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 1 địa phương (Hạ Long) không còn hộ nghèo, cận nghèo; 3/13 địa phương (Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Đến nay, tỉnh cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu mà Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 đề ra (theo kế hoạch cuối năm 2025 còn dưới 0,5%).
Đây là kết quả của việc huy động nguồn lực, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để giảm nghèo; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo; gắn mục tiêu giảm nghèo bền vững với tiêu chí xây dựng nông thôn mới và các chính sách về an sinh xã hội; triển khai hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Quá trình này, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm tới việc tạo sinh kế và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Nhiều chương trình, dự án được triển khai đã góp phần thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; cải thiện và nâng cao rõ rệt đời sống của nhân dân. Quan trọng hơn, công cuộc giảm nghèo ở Quảng Ninh đã khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân. Nhiều gia đình đã viết đơn tình nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo, các địa phương hăng hái thi đua hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Bước sang giai đoạn mới, Quảng Ninh dự kiến nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn của Trung ương. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đối với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, tạo điều kiện cho các đối tượng giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Thông qua việc được công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình để được hỗ trợ tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản và tham gia các dự án để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập nhằm thoát nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm công bằng, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.
Ý kiến ()