
Khi toàn dân tham gia "cuộc chiến"
Kể từ ca bệnh đầu tiên được công bố tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào ngày 31/12/2019, đến nay virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã lây lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với hơn 2 triệu ca nhiễm bệnh, trong đó trên 134.000 người đã tử vong. SARS-CoV-2, con virus vô hình với mắt thường nhưng lại có sức tàn phá ghê gớm.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 21/4, SARS-CoV-2 tuy chưa gây tử vong nhưng cũng đã khiến 268 người nhiễm bệnh tại 29 tỉnh, thành phố. Vào ngày 1/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam, nhưng từ trước đó nhiều tháng, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả nước đã vào cuộc chiến với quyết tâm sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ an toàn tính mạng sức khỏe của nhân dân. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài “chống giặc”.
Cuộc chiến mà Chính phủ và nhân dân ta đang phải đối mặt là một cuộc chiến dù không tiếng súng song cam go, khốc liệt và vô tiền khoáng hậu. Bởi đó là một cuộc chiến toàn cầu với một đối thủ vô hình và trong cuộc chiến ấy, ta và đối thủ không thể gặp gỡ, đàm phán hay thỏa thuận đình chiến mà chỉ có thể chiến đấu đến cùng.
Trong quá khứ, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc và đã tạo nên một nghệ thuật quân sự đó là nghệ thuật tổ chức lực lượng toàn dân chống giặc. Và trong giai đoạn hiện nay cũng vậy, chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc như một lời hiệu triệu toàn dân lại được phát động và được hưởng ứng mạnh mẽ. Tất cả mọi tầng lớp, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo đều tích cực vào cuộc, hưởng ứng lời kêu gọi “chống giặc Covid-19” bằng tất cả tinh thần và nguồn lực của mình. Nhỏ thì là mớ rau, quả trứng, là những đồng tiền chắt chiu của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tuổi gần đất xa trời, là khoản tiết kiệm hàng năm của những em bé tiểu học. Lớn hơn là hàng tỷ đồng của các doanh nghiệp, là những cải tiến, phát minh, sáng chế công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch. Các văn nghệ sĩ ngoài quyên góp ủng hộ cũng tích cực sáng tác các ca khúc, điệu nhảy, vẽ tranh cổ động… động viên khích lệ tinh thần toàn dân và các lực lượng tuyến đầu. Các đoàn viên xung phong tình nguyện tham gia chống dịch tại các chốt kiểm soát, phụ nữ thì may khẩu trang tặng nhân dân, giúp nấu ăn tại các điểm cách ly… và một cách đơn giản nhất để người dân ủng hộ chống dịch đó là tự giác và vận động nhau tuân thủ các chính sách và hướng dẫn phòng dịch của nhà chức trách. Những khẩu hiệu "Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần", hay "Ở nhà là yêu nước" được lan truyền như một cách mà người dân đồng hành cùng Chính phủ.
Triệu trái tim, triệu tấm lòng hướng về mục tiêu chung. Các bác sĩ, y tá, công an, bộ đội… những người chiến đấu nơi tuyến đầu sẽ vững tâm khi có hậu phương toàn dân ủng hộ ở phía sau. Tính đến ngày 21/4, tổng số tiền, hiện vật ủng hộ và đăng ký ủng hộ quỹ chống đại dịch Covid-19 tại Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tại Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố lên tới trên 1.600 tỷ đồng. Con số này sẽ còn tăng lên khi phải đến 30/4, chiến dịch kêu gọi ủng họ quỹ mới kết thúc.
Đại dịch SARS-CoV-2 đã lây lan ra toàn cầu. Chính phủ ở tất cả những nơi mà nó đi qua đều đã phải coi việc chống lại loại virus nguy hiểm, lần đầu xuất hiện này là một cuộc chiến. Đến hôm nay, trong số 268 ca nhiễm bệnh đã có 214 người được chữa khỏi và chưa có ai tử vong. Dẫu có khó khăn song Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực hết sức để mọi công dân của mình đều được chứng kiến giây phút cuộc chiến này kết thúc mà ở giây phút đó chúng ta là người chiến thắng.
Quỳnh Tâm
Ý kiến ()