Khi quyền lợi của người trồng rừng được đảm bảo
Do việc triển khai dự án khoa học, chặt chẽ, có sự quản lý thống nhất nên hiệu quả thu được khá rõ nét. Các bước tiến hành như quy hoạch sử dụng đất, điều tra lập địa, sử dụng các giống cây trồng phù hợp nên đã phát huy được hiệu quả. Đặc biệt là quyền lợi của người trồng rừng đã được quan tâm và đảm bảo nên đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Do tin tưởng và phấn khởi nên các hộ tham gia dự án đã tự xây dựng các quy định, hương ước trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm của người trồng với hoàn thành kế hoạch, chất lượng rừng trồng và công tác chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng theo đúng quy trình, quy phạm của dự án…
Kết quả sau 5 năm triển khai đã trồng được 4.717 ha rừng, cây sinh trưởng tốt; đã giải quyết việc làm cho 2.800 hộ dân ở vùng miền núi, cấp được 2.735 giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ dân; mở được 2.752 tài khoản tiền gửi (hơn 10 tỷ đồng)…
Từ hiệu quả của dự án, vừa qua Chính phủ Đức đã quyết định thưởng cho Quảng Ninh 40 tỷ đồng vì đã triển khai tốt dự án và đồng ý hỗ trợ mở rộng trồng thêm khoảng 3.000 ha rừng ở các huyện Đông Triều, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án trồng rừng được triển khai đồng thời. Nhưng có thể nói dự án trồng rừng Việt-Đức đã cho hiệu quả khá rõ nét. Ngoài việc tăng vốn rừng, nâng độ che phủ của rừng, mang lại lợi ích, việc làm cho người lao động, dự án còn góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là ý thức phát triển và bảo vệ rừng được nâng cao.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2010 nâng độ che phủ của rừng lên 50%. Như vậy trong thời gian tới nhiều dự án trồng rừng sẽ tiếp tục được triển khai. Hy vọng từ bài học, kinh nghiệm của dự án Việt-Đức, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc đảm bảo lợi ích của người sản xuất, công tác trồng, quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ta sẽ thu được những kết quả cao hơn…
Ý kiến ()