
Hơn 11 tỉ USD vào ngành bán dẫn Việt Nam
Trong năm 2024, doanh thu ngành bán dẫn Việt Nam đạt 18,7 tỉ USD, nhưng phần lớn lợi nhuận thuộc về các doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 11,6 tỉ USD và con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn trải qua quá trình vô cùng phức tạp, bao gồm hơn 1.000 công đoạn, sử dụng khoảng 400 loại hóa chất và 50 loại thiết bị chế tạo chính yếu, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tại nhiều quốc gia.
Đua xây nhà máy, tuyển nhân sự
Đầu tháng 2-2025, Amkor Technology, một trong ba nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới, đã xin cấp phép tăng công suất nhà máy tại Bắc Ninh lên gấp ba lần, đạt 3,6 tỉ sản phẩm mỗi năm.
Thành phẩm từ nhà máy chủ yếu để xuất khẩu và khi hoạt động ổn định từ tháng 10-2025, nhà máy có tỉ lệ tự động hóa 70% này sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 7.200 lao động.
Theo ban lãnh đạo Amkor, Việt Nam có lợi thế khi phát triển ngành này, đặc biệt về vị trí địa lý khi nằm gần các trung tâm sản xuất linh kiện điện tử lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, giúp đảm bảo nguồn cung ổn định với chi phí hợp lý.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Đạm, CEO Marvell Việt Nam, nhận định việc Amkor mở rộng quy mô đầu tư là chỉ dấu cho thấy các điều kiện ở Việt Nam đủ sức đáp ứng các yêu cầu của nhà máy.
Điều này không chỉ thể hiện cam kết đầu tư lâu dài mà còn cho thấy triển vọng phát triển tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực đóng gói và kiểm định bán dẫn.
Nhờ đó Việt Nam ngày càng giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngoài Amkor Technology, Hana Micron - một doanh nghiệp Hàn Quốc khác trong lĩnh vực đóng gói và kiểm định - cũng đã đầu tư khoảng 600 triệu USD xây dựng nhà máy tại Bắc Giang từ năm 2019 và đã có kế hoạch mở rộng.
Không chỉ các doanh nghiệp Hàn Quốc, một số tập đoàn bán dẫn Mỹ đã sớm tham gia thị trường, như Marvell Technology. Đây là một công ty bán dẫn không có nhà máy sản xuất (fabless semiconductor), chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu, phát triển, thiết kế và kiểm tra những sản phẩm bán dẫn (chip và mạch điện tử).
Marvell lập công ty tại VN từ năm 2013 và đang có 470 nhân viên, trong đó 98% là kỹ sư. "Dù chưa có số liệu thống kê chính thức, theo tôi biết, số lượng những công ty về thiết kế vi mạch tại VN đã tăng khoảng 20% trong hai năm qua", ông Đạm nói
Những tập đoàn lớn như Nvidia, Google, Qualcomm, Marvell, Synopsys, Faraday, Infineon... liên tục đăng tuyển nhiều vị trí cho thấy sự mở rộng về nhu cầu nhân sự và đa dạng về công việc.
Theo Bộ Khoa học - Đầu tư, đang có 174 dự án FDI đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, tổng vốn gần 11,6 tỉ USD. Hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành như Intel, Marvell Technology, Samsung, CoAsia SEMI (Hàn Quốc), Renesas (Nhật Bản)... đều đã có mặt ở Việt Nam.

Nhìn lại vị trí của kỹ sư Việt
Là người am hiểu ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Yên, tổng giám đốc CoAsia SEMI Việt Nam (Hàn Quốc), cho rằng khoảng 20 năm trước, khi điện thoại thông minh bùng nổ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho ngành bán dẫn toàn cầu và Việt Nam bắt đầu có những lứa kỹ sư thiết kế chip đầu tiên.
Một xu hướng tương tự đang diễn ra với sự phát triển của chip trí tuệ nhân tạo (AI).
Điểm đáng chú ý nhất của ngành trong hai thập niên qua là sự hình thành đội ngũ hàng nghìn kỹ sư thiết kế cùng lượng nhân sự làm việc trong các nhà máy đóng gói, kiểm thử.
Nhiều kỹ sư Việt đang làm việc tại các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn tiên tiến, duy trì kết nối với các chuyên gia quốc tế dày dạn kinh nghiệm.
Theo ông Yên, đây chính là những "hạt giống" tiềm năng cho sự ra đời của các start-up bán dẫn Việt Nam trong tương lai.
Ngoài ra, Việt Nam cũng được Mỹ đưa vào danh sách tier-2, trong các quy định mới về hạn chế xuất khẩu chip và công nghệ AI, ngang hàng với Singapore và Malaysia.
Điều này phản ánh sự cởi mở của Việt Nam, sẵn sàng chào đón các đối tác đầu tư vào lĩnh vực này. "Có thể nói là chưa bao giờ có ngành nào được đặc biệt chú ý như ngành bán dẫn hiện nay. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao tận dụng tối đa thời cơ đang có và phát huy tối đa sức mạnh nội lực của ngành", ông Yên nói.
Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam năm 2024 đạt 18,7 tỉ USD, với khoảng 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch và 6.000 kỹ sư thiết kế. "Doanh thu ngành năm 2024 đạt 18,7 tỉ USD là con số đáng mừng nhưng cũng mang đến rất nhiều nỗi lo nếu xét từ khía cạnh tính sở hữu", một chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn nói.
Theo vị này, doanh thu công nghiệp bán dẫn của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các công ty FDI, đồng nghĩa với việc lợi nhuận mà doanh thu này mang lại cũng không thuộc sở hữu của Việt Nam. Trong thực tế, số lượng công ty trong nước kinh doanh thiết kế, sở hữu sản phẩm, thương mại hóa lõi IP, chip còn khiêm tốn.
"VN chưa có nhiều kỹ sư ở cấp độ tổng công trình sư, có thể thiết kế hoàn chỉnh và thương mại hóa được sản phẩm. Kỹ sư Việt chủ yếu tham gia dự án với vai trò thành viên, ít được trao quyền quyết định toàn bộ và nếu có sở hữu thiết kế cũng chỉ giới hạn ở một số công đoạn", vị này nói.
Ý kiến ()