Hội nghị liên kết thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh
Ngày 12/12, tại TP Hạ Long, VCCI tổ chức Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông 2024 với chủ đề: “Liên kết thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh”. Hội nghị nhằm từng bước tạo liên kết, kết nối vùng trong khu vực, tạo thành mạng lưới hợp tác phát triển và hình thành chuỗi sản xuất thông minh, thúc đẩy tăng trưởng.
Dự hội nghị có đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI; Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng; Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cùng lãnh đạo các ban, ngành VCCI và 4 địa phương.
Trục cao tốc phía Đông (VEHEC) được hình thành từ thỏa thuận giữa VCCI và 4 tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên trên cơ sở trục cao tốc liên vùng từ Thủ đô Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Kết nối có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hướng tới xây dựng mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, khẳng định: Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh vai trò của Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển kinh tế quốc gia, ưu tiên hiện đại hóa công nghiệp, mở rộng cơ sở hạ tầng và thực hiện các chính sách phát triển bền vững. Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng các cụm công nghiệp tiên tiến, mạng lưới logistics hiện đại và quản lý tài nguyên bền vững nhằm tạo nên một nền kinh tế bền vững và cạnh tranh toàn cầu.
VEHEC là động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GRDP toàn khu vực trong những năm vừa qua đạt mức cao, dao động từ 9% đến 12% mỗi năm, cao hơn mức GRDP trung bình của 63 tỉnh, thành phố. Năm 2023 Hải Phòng đã thu hút khoảng 3,5 tỷ USD vốn FDI, Quảng Ninh đã thu hút hơn 3,1 tỷ USD FDI, đưa hai tỉnh này trở thành những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại 4 địa phương VEHEC là 52.000, chiếm gần 6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Đồng chí mong muốn, trước sự phát triển và biến đổi không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, sản xuất thông minh đã trở thành một động lực quan trọng cho hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là mắt xích sản xuất mới tại châu Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu. Để đón đầu cơ hội mới, khẳng định vị thế sở hữu nhiều dự án sản xuất thông minh, thu hút các tập đoàn lớn trong ngành sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn, hội nghị dành thời gian phân tích, đánh giá, đưa ra các chỉ dẫn, khuyến cáo để góp phần thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại Việt Nam nói chung cũng như VEHEC nói riêng.
Cùng với đó, củng cố kết nối vùng trong khu vực, khẳng định vị thế 4 địa phương trong VEHEC như một khu vực kinh tế chiến lược, phù hợp với các chỉ đạo quốc gia và khát vọng khu vực nhằm thúc đẩy thịnh vượng lâu dài và toàn diện. Từ đó, tạo nên kết nối vùng trong khu vực, tạo thành mạng lưới cùng hợp tác phát triển và hình thành chuỗi sản xuất thông minh, thúc đẩy tăng trưởng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh: Hoạt động hợp tác VEHEC đã phát huy hiệu quả tích cực vào công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, mỗi địa phương đã bước đầu tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của mình đồng thời phối hợp với các địa phương trong vùng để tạo sự gắn kết và đạt hiệu quả cao hơn, góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, thu hút được nguồn lực đầu tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của 4 tỉnh, thành phố nói riêng và của cả nước nói chung.
Đồng chí kỳ vọng, diễn đàn Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông với chủ đề “Liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh” sẽ cụ thể hóa thỏa thuận kết nối giữa VCCI và 4 tỉnh, thành phố đã ký kết và nhằm tiếp tục nhận diện, làm rõ sự phát triển, các xu hướng mới của ngành công nghiệp sản xuất thông minh.
Tại Quảng Ninh, tỉnh đã kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách để tích cực tận dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số để tăng năng suất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân… Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng của tỉnh, năng suất lao động nâng lên rõ rệt.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các khu công nghiệp, các dự án đầu tư vào các ngành nghề sản xuất thông minh, hàm lượng tri thức cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tích cực đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp đi vào hoạt động, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng.
Tại hội nghị, lần đầu tiên VCCI công bố Báo cáo kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông, cung cấp phân tích toàn diện về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và các nỗ lực phát triển bền vững cũng như tầm quan trọng chiến lược của khu vực 4 tỉnh VEHEC trong chuỗi liên kết cung ứng sản xuất thông minh của cả nước. Đồng thời, tiến hành thảo luận về tương lai chuỗi cung ứng sản xuất thông minh với sự đóng góp ý kiến, xây dựng từ các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong VEHEC.
Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh, mở cơ hội để các khu công nghiệp kết nối một cách hiệu quả với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, tìm kiếm cơ hội phát triển chung và cùng có lợi, góp phần thúc đẩy hợp tác sản xuất thông minh.
Ý kiến ()