Học trái tuyến
Không phải chỉ đến năm học 2014-2015 này, mà đã từ nhiều năm trước, mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, vấn đề “học trái tuyến” lại “nóng” lên. Nhiều phụ huynh học sinh, vì muốn con em mình được học ở những trường có điều kiện chất lượng dạy học tốt hơn, nên tìm cách lo cho con “học trái tuyến” cũng có; lại cũng có trường hợp là do hoàn cảnh gia đình bắt buộc, bố mẹ có hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng thường xuyên công tác tại một nơi khác, nên muốn con cái gần bố mẹ thì chỉ còn cách xin cho chúng “học trái tuyến” v.v..
Nói chung, ngoại trừ một số trường hợp hãn hữu, còn nhìn một cách tổng thể, việc xin cho con học trái tuyến không phải là một việc làm sai trái. Thế nhưng, hiện tượng này lại dẫn đến một hệ lụy khiến cơ quan quản lý giáo dục và các trường học, nhất là ở những địa bàn thành phố, đô thị phải lo lắng. Đó là tình trạng quá tải, khó kiểm soát “đầu vào” tại một số trường ở những địa bàn đông dân cư, đặc biệt là những trường được cho là có uy tín về chất lượng giáo dục.
Để tránh tình trạng này, khi nhận các đối tượng học sinh thuộc diện “trái tuyến”, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương và các trường học thường phải cân nhắc, “nâng lên, đặt xuống”... Và từ đó lại phát sinh một hệ lụy khác, là nó “đẻ” ra những chuyện tiêu cực như chạy chọt, lo lót bằng tiền! Chưa thấy có một vụ việc hối lộ hay đòi hối lộ cụ thể nào trong chuyện xin học trái tuyến trên địa bàn tỉnh được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý công khai; nhưng theo dư luận thì không phải không có; thậm chí về một mức độ nào đó, nó đang như một “mạch ngầm” làm xói lở đạo đức nhà giáo ở một số cán bộ quản lý giáo dục có trách nhiệm trong công tác tuyển sinh đầu năm học mới.
Đây là hiện tượng chung của ngành giáo dục trên cả nước, thậm chí có địa phương như ở thành phố Đà Nẵng, chính quyền thành phố còn có những biện pháp rất kiên quyết nhằm hạn chế đến mức tối đa việc tuyển sinh học sinh trái tuyến. Tuy nhiên, cũng như nói ở trên, trong nhiều trường hợp, nguyện vọng được học trái tuyến của học sinh là hoàn toàn chính đáng. Vậy nên nếu không được đáp ứng thì thực sự đã gây ra một trở ngại lớn cho gia đình cũng như bản thân các em. Vợ chồng một người bạn tôi có hộ khẩu thường trú ở Đông Triều, tuy nhiên, cả hai lại mua nhà và làm ăn buôn bán tại thành phố Hạ Long. Năm ngoái, hai vợ chồng đã làm đơn xin cho con mình vào học trái tuyến tại một trường trong thành phố, nhưng không được. Hỏi năm nay có định xin tiếp không, bạn lắc đầu: “-Thôi thì để nó ở quê với ông bác, chứ không có tiền chạy chọt thì khó chuyển lên đây học lắm!”.
Nói vậy để thấy việc giải quyết nguyện vọng học trái tuyến của học sinh hiện nay cần được xem xét một cách cụ thể. Bộ GD-ĐT cũng không có quy định “cấm ngặt” việc tuyển sinh học sinh trái tuyến. Vấn đề là cơ quan quản lý giáo dục ở các địa phương phải có sự giám sát chặt chẽ để không xảy ra những hiện tượng tiêu cực, đừng để “những con sâu làm rầu nồi canh”... Đây mới là điều quan trọng nhất!
Trung Luận
Ý kiến ()