Hệ quả của thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh
Qua đánh giá ban đầu của ngành Y tế, nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh chủ yếu là từ thực phẩm, trong đó “thủ phạm” số một là mắm tôm. Tuy nhiên, những ngày gần đây cơ quan chức năng còn phát hiện một số trường hợp mắc bệnh là do sử dụng giò chả, thịt bò, rau sống, thức ăn đường phố... Nói tóm lại đều là do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, an toàn.
Tác hại và sự nguy hiểm của thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh các cơ quan chức năng đều biết, người dân đều hiểu, song thực tế hàng ngày nó vẫn tác động, ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người hoặc tức thời hoặc âm ỉ lâu dài. Các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra ở các địa phương đã minh chứng điều này. Và mới đây dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm bùng phát và lan rộng lại càng khẳng định hệ quả của thực phẩm không an toàn. Thế nhưng từ trước đến nay công tác quản lý, kiểm soát chất lượng vệ sinh thực phẩm dường như ít chuyển biến, thậm chí không giám sát được, đặc biệt nhiều loại thực phẩm còn bị thả nổi. Chỉ đến khi dịch bệnh xảy ra mới khẩn cấp đưa ra các khuyến cáo này, khuyến cáo nọ; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành v.v.. Nói tóm lại là nước đến... cổ mới chạy, không có một sự chủ động, kiên quyết phòng chống, ngăn chặn từ xa.
Hiện nay, có lẽ các cơ quan chức năng mới chỉ chú trọng tới việc kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh đối với các mặt hàng thực phẩm xuất khẩu bởi quy định của các nước nhập khẩu về vấn đề này hết sức ngặt nghèo. Điều này là cần thiết nhưng chưa đủ bởi hàng chục triệu người dân trong nước cũng cần được ăn sạch, uống sạch, không thể coi nhẹ họ.
Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang lan rộng chính là cái giá phải trả cho sự buông lỏng quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chắc chắn từ đây các cơ quan chức năng sẽ rút ra cho mình những bài học sâu sắc để có cái nhìn xa hơn, rộng hơn và có các biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.
Ý kiến ()