Hãy hành động để ngăn nước biển dâng
Đó là chủ đề của Ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay, nhằm kêu gọi các quốc gia, tổ chức và mọi người dân trên hành tinh hành động tích cực để bảo vệ, giữ gìn môi trường sống; phê phán, lên án các việc làm tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Chúng ta đều đã biết, biến đổi khí hậu đang là một lo ngại mang tính thời sự của toàn cầu. Trong đó nước biển dâng là hệ quả tất yếu của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu là do con người đã quá chú trọng đến những lợi ích trước mắt mà coi nhẹ những lợi ích lâu dài. Đó là tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức, tàn phá rừng, vùi lấp ao hồ, huỷ diệt nhiều loài sinh vật, phát triển “nóng” nhiều ngành công nghiệp... dẫn đến mất cân bằng sinh thái, đất đai bị xói lở, nguồn nước bị cạn kiệt, thải ra không khí quá nhiều lượng khí độc (CO2), làm tăng hiệu ứng nhà kính, khiến cho trái đất nóng lên, dẫn đến băng tan ở Bắc cực và Nam cực, đẩy nước biển dâng cao...
Hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra trong những năm gần đây ngày càng rõ nét. Đó là những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lụt, giông lốc, nắng nóng, khô hạn... diễn ra với tần suất nhiều hơn và thường trái với quy luật nhiều năm. Các hiện tượng thiên tai này đã gây biết bao nhiêu tổn hại về con người, vật chất, tiền bạc cho các quốc gia, nhất là các quốc gia nằm trong những vùng có nguy cơ cao...
Có thể nói, giờ đây quốc gia nào cũng đều nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cũng như những hệ lụy, tác hại của tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để hành động chung cho mục tiêu bảo vệ môi trường sống thì không phải tất cả cùng chung chí hướng. Trong đó có những quốc gia phát triển vì những lợi ích về kinh tế trước mắt vẫn chưa tích cực và kiên quyết trong việc cắt giảm lượng khí thải ra môi trường. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn...
Việt Nam được xác định nằm trong nhóm các nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó cụ thể là của hiện tượng nước biển dâng, do có bờ biển dài. Và thực tế cũng đã cho thấy nhiều tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh đã bị sạt lở đất, bờ bao, ngập lụt do nước triều dâng... Bởi vậy trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời tham gia tích cực vào các kế hoạch, chương trình của quốc tế về bảo vệ môi trường, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính...
Hiện nay, Quảng Ninh đang tích cực triển khai tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững. Đây là những chủ trương, biện pháp thiết thực tham gia vào quá trình bảo vệ môi trường sống lâu dài, hạn chế những tác động xấu của biến đổi khí hậu, ngăn ngừa nguy cơ nước biển dâng...
Thanh Tùng
Ý kiến ()