Hậu Covid-19 - Chạnh lòng viên chức y tế phụ trách dân số bị “bỏ quên”
Suốt 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng con người cũng như phát triển kinh tế - xã hội, thì cũng là từng ấy thời gian hàng triệu lượt cán bộ, nhân viên y tế trên mọi miền đất nước phải quên mình, lao ra trận tuyến chống dịch. Trong số đó có rất nhiều viên chức làm công tác dân số, truyền thông sức khỏe tại các trạm y tế xã, phường. Thế nhưng khi Nghị định số 05/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 2/2023 tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho viên chức y tế trong thời gian 2 năm 2022, 2023 như sự tri ân, động viên tới đội ngũ nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở vì những vất vả, gian khó trong thời gian chống dịch thì các viên chức làm công tác dân số, truyền thông sức khỏe lại bị “bỏ quên”.
Chắc hẳn mọi người không thể nào quên, đại dịch Covid-19 hoành hành, tàn phá, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với nước ta, kể từ đầu dịch đến khi Covid-19 đã Bộ Y tế hạ mức thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, cả nước ghi nhận khoảng 11.600.000 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam là trên 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong hành trình chống dịch đầy cam go, căng thẳng, nguy hiểm, hàng chục triệu lượt cán bộ, y, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành trong cả nước đã kề vai, sát cánh xung phong vào các điểm nóng, vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong. Các chiến sĩ áo trắng đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường, họ phải xa gia đình, xa người thân kéo dài, làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm, căng thẳng, nguy hiểm.
Với hàng triệu lượt y, bác sĩ, nhân viên y tế Quảng Ninh cũng vậy, họ luôn “đi trước - về sau”, căng mình làm việc không kể ngày đêm, tham gia khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, quyết tâm dập dịch trong thời gian ngắn nhất.
Trong số hàng triệu lượt y, bác sĩ, nhân viên y tế của Quảng Ninh, có rất nhiều người là cán bộ, viên chức làm công tác dân số, truyền thông sức khỏe. Trong suốt thời gian chống dịch Covid-19 họ cũng lực lượng trực tiếp tham gia từ đầu đến cuối với nhiệm vụ nhập dữ liệu, đi lấy mẫu, khoanh vùng, truy vết, vận chuyển mẫu, khử khuẩn… tham gia tất cả các khâu trong phòng, chống dịch, họ phải ở lại trạm y tế trực, không về nhà như bao nhân viên y tế khác.
Đó là chưa kể, trong các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, những cán bộ, viên chức làm công tác dân số, truyền thông sức khỏe cũng có những đóng góp không nhỏ, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao và sớm nhất cả nước.
Cùng cống hiến như bao cán bộ y tế cơ sở khác trong trận chiến chống dịch Covid-19, thế nhưng theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, họ đang bị “bỏ quên”, khiến nhiều cán bộ, viên chức làm công tác dân số, truyền thông sức khỏe tại cơ sở không khỏi chạnh lòng, tủi thân với chế độ phụ cấp ưu đãi, trong khi việc chống dịch trước kia thì cơ cực, vất vả, nguy hiểm như nhau.
Theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, chỉ viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở mới được tăng phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 40% đến 70% lên 100% trong 2 năm 2022 và 2023. Những viên chức y tế phụ trách dân số giữ nguyên mức phụ cấp 30% như cũ, tương đương với không được nhận ưu đãi nghề tăng thêm.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, hoành hành, lực lượng y tế, nhất là y tế cơ sở đã phải trực tiếp xông pha nơi tuyến đầu cam go nhất, vất vả và nguy hiểm nhất. Cùng với đội ngũ cán bộ y tế chuyên môn, lực lượng y tế cơ sở, trong đó có các cán bộ, viên chức làm công tác dân số, truyền thông sức khỏe làm việc không kể ngày đêm, không kể ngày nghỉ, không sợ hiểm nguy trong môi trường có nguy cơ cao về lây nhiễm để cố gắng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch thành công.
Những tâm tư của cán bộ, viên chức làm công tác dân số, truyền thông sức khỏe của Quảng Ninh nói riêng, các tỉnh, thành trong cả nước nói chung là mong ước xứng đáng và chính đáng so với những gì mà họ đã cống hiến trong thời gian chống dịch. Hiện những bất cập trong triển khai Nghị định số 05/2023/NĐ-CP đã được ngành Y tế địa phương ghi nhận và gửi về Bộ Y tế. Hi vọng rằng, những vấn đề, thắc mắc còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của nghị định này sẽ sớm được xem xét điều chỉnh, để các những cán bộ, viên chức làm công tác dân số, truyền thông sức khỏe không bị “bỏ lại” phía sau.
Ý kiến ()