
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Hiệu quả tích cực
Huyện Bình Liêu với trên 96% dân số là đồng bào DTTS. Trong vài năm trở lại đây để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, Bình Liêu đã chú trọng tổ chức các lớp học nghề phù hợp với xu hướng giải quyết việc làm, tăng thu nhập của đồng bào DTTS trên địa bàn. Năm 2024, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cũng như theo dõi, đánh giá kết quả giải quyết việc làm... Đặc biệt, mở 5 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, với khoảng 100 học viên (2 lớp đào tạo nông nghiệp và 3 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp). Huyện đặc biệt quan tâm đào tạo nghề cho người DTTS, trong đó, chú ý nghề liên quan đến du lịch để khai thác và phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương.

Anh Chu Văn Cường (thị trấn Bình Liêu) cho biết: Tôi tham gia lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch từ năm 2018, sau đó dần làm hướng dẫn viên du lịch. Công việc này cũng đem lại một nguồn thu nhập khá. Tôi mong muốn, huyện sẽ có thêm nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để nhiều người có thể tiếp cận với nhiều công việc mới, đem lại thu nhập cho bản thân và gia đình.
Ba Chẽ cũng là địa phương có trên 80% là đồng bào DTTS, thời gian qua công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động cũng được chú trọng thực hiện. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, đồng bào DTTS, huyện Ba Chẽ đã tiến hành khảo sát, cập nhật thông tin nhu cầu học nghề của người lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Qua đó có cơ sở định hướng nghề nghiệp phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể để đề xuất, mở các lớp đào tạo nghề có hiệu quả cao, thu hút đông đảo học viên tham gia. Các nhóm nghề được tập trung gồm: Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; điện nước nông thôn; kỹ thuật chế biến món ăn, phục vụ… Sau khi tham gia các lớp nghề, học viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cơ bản về kỹ thuật nền về sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt; nâng cao hiểu biết về trồng trọt và chăn nuôi như cách chọn cây, con giống, cách thức chăm sóc, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng dịch vụ, sản xuất. Không ít hộ đã vươn lên làm giàu từ những mô hình phát triển kinh tế.

Năm 2024 huyện Ba Chẽ đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức mở 6 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 120 lao động tại các xã: Đồn Đạc, Lương Mông, Thanh Lâm, Nam Sơn, Đạp Thanh. Anh Lý Văn Lợi (thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn) là một trong số những lao động đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề chia sẻ, trước đây thanh niên miền núi như anh thường chỉ biết đi làm rừng, đó là nghề duy nhất. Sau khi tham gia lớp học, có được cái nghề, hiện nay anh đã nhận lắp điện cho các công trình nhà dân trong thôn, trong xã để kiếm thêm thu nhập.
Công tác giải quyết việc làm cho lao động tại Ba Chẽ cũng được chú trọng gắn với việc đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 01-CT/HU (ngày 1/9/2020) của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Để đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, huyện đã phối hợp với Trung tâm Tuyển sinh Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức các hội nghị, nhóm nhỏ về việc tư vấn tuyển sinh, đào tạo thợ lò, đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty May mặc Hoa Lợi Đạt, Texhong Hải Hà… Đồng thời, tăng cường triển khai kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp giữa Huyện ủy Ba Chẽ với Đảng ủy Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2024-2028.
Theo thống kê hằng năm, trên 86% sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; 21,4% tổng số hộ nghèo có người tham gia học nghề có việc làm và thoát nghèo. Kết quả trên cho thấy công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo ra nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đồng bào DTTS, đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng NTM.
Đồng bộ các giải pháp
Đồng bào DTTS miền núi sinh sống chủ yếu ở vùng núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa - những địa bàn cốt yếu, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Đó cũng những là địa bàn có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hay chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt; xuất phát điểm và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp, mặt bằng dân trí chưa cao, do đó việc làm của người dân vùng DTTS dễ rơi vào tình trạng bấp bênh, không ổn định... Vì vậy, khắc phục hoàn cảnh sống khó khăn và hướng tới sự phát triển bền vững khi giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS là chủ trương quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh xác định đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số, nông thôn theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với việc giải quyết việc làm là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho người dân. Theo đó, các địa phương trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch của từng địa phương, giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị trực thuộc triển khai các chỉ tiêu nhiệm vụ về công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Đặc biệt một số địa phương đã vận dụng một số cách làm hay, hiệu quả trong giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS như: Phối hợp với cơ sở giáo dục, dạy nghề tư vấn, hướng nghiệp nhằm tăng cường dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho thanh niên là người DTTS; hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển, dự báo tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho người lao động sau học nghề…
Nhờ vậy, người dân có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ chuyển sang học để nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn; học để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, học để giảm nghèo bền vững.

Với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai, trong năm 2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo cho 1.165 người, đạt 99,15% kế hoạch năm. Trong đó có 643 lao động là dân tộc thiểu số, chiếm 55,19% tổng số lao động được hỗ trợ học sơ cấp nghề. Qua đó góp phần quan trọng tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều địa phương, đơn vị, vẫn còn những tồn tại, vướng mắc khiến cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người DTTS chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Trong đó có nhận thức của một bộ phận học viên chưa tốt nên học tập chưa chuyên cần, hoặc không áp dụng sản xuất, làm nghề sau đào tạo như đã học. Lao động là người DTTS có ưu điểm nổi trội là có sức khỏe. Tuy nhiên, do xuất phát từ dân trí thấp nên nhiều lao động DTTS khả năng tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật chậm, chưa chủ động học tập; vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước… Bên cạnh đó, vẫn có thực trạng nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tiễn của địa phương; xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề tại một số địa phương còn khó khăn...
Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, đồng bào DTTS. Đồng thời tham mưu cho tỉnh tăng cường, ưu tiên đầu tư từ ngân sách cho việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ việc làm, như: Thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các tổ chức tín dụng để tín chấp vay vốn sản xuất cho lao động nông thôn; gắn kết doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế để dạy nghề cho lao động nông thôn, đồng bào DTTS theo hình thức hợp đồng cung ứng lao động; tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất kết quả đào tạo nghề. Đặc biệt, chú trọng đào tạo gắn với việc làm tại chỗ, lựa chọn phương thức đào tạo linh hoạt và các mô hình phù hợp đặc thù của người DTTS.
Có thể thấy, làm tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vùng đồng bào DTTS sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ổn định sinh kế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Ý kiến ()