Giữ “nhịp” CPI
Yếu tố “kìm chân” tốt không để xảy ra hiện tượng “phi mã” như những tháng sau Tết Nguyên đán, được đánh giá là do việc triển khai quyết liệt các chính sách của Chính phủ và sự chỉ đạo sâu sát, mạnh mẽ của tỉnh.
Chúng ta đều biết, một trong những sự kiện của tháng 5 chính là việc tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng. Đã có không ít người dân lo lắng bởi gần như đã thành lệ, giá cả luôn “bám” theo lương. Song, theo các cơ quan chức năng, trong tháng 5 nhiều mặt hàng đã không tăng. Đối với nhóm các mặt hàng có điều chỉnh giá cũng chỉ là tăng nhẹ. Cụ thể như: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,23%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; hàng ăn uống và dịch vụ tăng 1,5%; giao thông tăng 1,72%; nhà ở, điện, nước, vật liệu xây dựng tăng 2,59%... Đáng chú ý, bưu chính viễn thông giảm 1,33%.
Tuy vậy, theo dự báo của các chuyên gia, những dấu hiệu bất ổn đối với nền kinh tế vẫn luôn tiềm ẩn, tất yếu sẽ có tác động không tốt đến sự phát triển chung của tỉnh. Chính vì thế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm là tiếp tục triển khai mạnh, tập trung thực hiện tốt những nhóm giải pháp của Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP. Vẫn rất cần các ngành chức năng quan tâm tới việc kiểm soát giá cả để đảm bảo hiệu quả của các chính sách vĩ mô đã ban hành.
Đáng chú ý, vừa qua, UBND tỉnh có Thông báo (số 1019/SCT-QLTM) về việc xây dựng chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu 6 tháng cuối năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012. Theo nội dung của Thông báo, có 9 nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn thị trường. Điều này khẳng định sự chủ động của tỉnh trong việc quyết tâm cùng cả nước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Chúng ta cũng tin tưởng rằng, dù có nhiều khó khăn phía trước, song về cơ bản sẽ vẫn giữ được “nhịp” CPI, không để xảy ra tình trạng ngoài tầm kiểm soát.
Ý kiến ()