Mảnh đất Đông Triều từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm gốm nặng lửa từ các làng gốm Cầu Đất, Vĩnh Hồng. Được nung ở nhiệt độ cao, gốm nặng lửa Đông Triều giữ được vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên và có độ bền cao. Trải qua bao thăng trầm, với tấm lòng giàu nhiệt huyết, những người con các làng nghề trên địa bàn vẫn ngày đêm giữ "lửa" để phát triển nghề truyền thống quê hương.
Chúng tôi tìm đến khu làm gốm sứ Đông Thành, phường Đức Chính nơi người dân địa phương vẫn quen gọi với cái tên mộc mạc là làng gốm Cầu Đất. Đây cũng được xem là cái nôi của gốm nặng lửa Đông Triều với thương hiệu gốm Đông Thành.
Địa chỉ đầu tiên chúng tôi tìm đến là xưởng gốm của nghệ nhân Lê Trọng Mỹ. Ông không chỉ được nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân mà trong làng nghề gốm ở đây, ông Mỹ luôn được mọi người kính trọng tôn vinh là lão nghệ nhân với tay nghề vô cùng tài hoa, lão luyện.
May mắn cho chúng tôi khi đến đúng lúc lò gốm của gia đình ông Mỹ đang cho ra mẻ gồm mới. Những người thợ nối nhau thành hàng chuyền tay nhau những chiếc chậu sứ mới khỏi lò nung. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận rất lớn của những người thợ, bởi sản phẩm được đưa ra khỏi lò còn nóng ran tay, lớp sứ còn giòn chỉ đặt mạnh là có thể làm nứt sản phẩm.
Trong cái nóng như thiêu như đốt gần lò nung, trên khuôn mặt ai mồ hôi cũng chảy thành dòng. Thế nhưng chẳng mấy ai để ý đến cái nóng, cái cái mệt mà chỉ tập trung làm sao đưa sản phẩm ra khỏi lò an toàn, chốc chốc những người thợ này lại đưa tay lên lau vội dòng mồ hôi đến ướt đẫm cả một vạt áo...
Chia sẻ với chúng tôi, ông Mỹ bảo: "Làm nghề gốm, cái quan trọng nhất để thành công là phải có tâm với nghề. Mỗi sản phẩm làm ra đều như đứa con tinh thần của mình, do vậy phải truyền được tình cảm, phải nâng niu thì mới cho ra được những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất…"
Theo ông Mỹ, trong quá trình tạo ra một sản phẩm gốm sứ thì tất cả các công đoạn đều có sự quan trọng như nhau. Vốn là làng nghề gốm nặng lửa, quy trình sản xuất gốm Đông Thành chủ yếu vẫn là những công đoạn thủ công, phải trực tiếp thao tác bằng đôi bàn tay của những người thợ. Do vậy, gốm Đông Thành có sự khác biệt so với các loại gốm được sản xuất trong nhà xưởng lớn, đầu tư nhiều máy móc hiện đại. Sự khác biệt này có những hạn chế nhưng cũng có nhiều ưu điểm mà gốm công nghiệp sẽ không thể hiện được, đó là cái hồn trong từng sản phẩm được những người thợ chau chuốt tỉ mỉ.
Từ nguyên liệu thô, người thợ gốm Đông Thành phải trải qua nhiều công đoạn sàng lọc, loại bỏ tạp chất để thu về một loại đất mềm, mịn, dẻo. Nếu đất sét còn lẫn tạp chất hay chưa được lọc kĩ thì sản phẩm ra đời sẽ không đạt được kết cấu đúng chuẩn.
Sau khi chuẩn bị nguyên liệu, người thợ dùng bàn tay khéo léo, điêu luyện của mình để tạo nên những đường cong mềm mại cho những sản phẩm gốm trên bàn xoay, hay tỉ mỉ xếp khuôn hình. Vì làm bằng tay và không có sự tham gia của máy móc nên để chuốt hoàn chỉnh một sản phẩm gốm tốn khá nhiều thời gian, tùy vào hình dáng và kích thước. Rồi công đoạn vẽ hình cho sản phẩm, cùng một khuôn mẫu nhưng với mỗi sản phẩm người thợ tài hoa lại thể hiện những nét vẽ núi non, cảnh vật, con người… khác nhau để cho ra những tác phẩm nghệ thuật từ hòn đất.
Nghệ nhân làm gốm không chỉ nặn đất, chuốt gốm mà còn gửi trọn tình yêu nghề và cả tâm hồn của mình vào tác phẩm. Công đoạn cuối là nung sản phẩm ở nhiệt độ cao, thường là từ 1.300 đến 1.400 độ C, từ 4 tiếng đến 5 tiếng tùy theo sản phẩm. Vì là gốm nặng lửa nên lò ở đây đều được đốt bằng củi. Trong quá trình đốt, người nghệ nhân cần điều lửa để cho các lưỡi lửa đi chính vào đầu, cuối hay giữa lò tại từng thời điểm. Mỗi loại củi đốt lại cho ra những màu sắc của men khác nhau vì khi đốt chúng có nhiệt độ khác nhau và những lớp bụi hoa từ củi bắn ra cũng là yếu tố quan trọng để những điểm nhấn trên lớp men cũng theo đó mà hình thành.
Có đến tận nơi, trực tiếp chứng kiến những công đoạn tạo ra sản phẩm gốm chúng tôi mới thực sự cảm nhận được để cho ra lò một sản phẩm gốm phải kỳ công và khó nhọc như thế nào. Mỗi người một công đoạn, nhưng điều đáng trân trọng là dù làm ở những công đoạn khác nhau, mỗi mẻ sản phẩm ra lò thực sự là những “đứa con chung”, ai cũng muốn nó phải hoàn hảo, không tỳ vết. Và như vậy những sản phẩm gốm chất lượng được ra đời từ những bàn tay, khối óc đầy nghệ thuật, tình yêu và nhiệt huyết với nghề.
Trải qua những thăng trầm của thời gian, thương hiệu gốm sứ Đông Triều luôn giữ được tiếng vang và có những tác động tích cực đến sản xuất địa phương. Các sản phẩm từ làng gốm Đông Triều được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao bởi sự bền bỉ, đặc tính chịu nhiệt cao và khả năng chống va đập tốt, đặc biệt là các sản phẩm như: Hũ đựng rượu, các loại chậu cảnh, đôn…
Tuy nhiên, không tránh khỏi tình trạng như nhiều làng nghề thủ công truyền thống khác, gốm Đông Triều cũng đối mặt với những biến đổi và nguy cơ mai một dần. Không gian của làng nghề xưa nay vẫn còn, nhưng cái thuở nhà nhà dùng gốm đã qua, do có nhiều vật dụng bằng chất liệu mới thay thế. Sự phát triển của các mặt hàng cùng công dụng làm từ nhựa, nhôm, inox khiến các sản phầm từ gốm phải cạnh tranh nhiều hơn và những người làm gốm cũng vậy.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thị Hằng, con nghệ nhân Lê Trọng Mỹ không khỏi trăn trở: Với những người làm gốm ở Đông Triều hiện nay, để làm nghề và giữ nghề là cả một vấn đề lớn. Như gia đình tôi hiện nay để tạo đầu ra cho sản phẩm gốm truyền thống, tôi đều phải đi tìm thị trường ở những làng nghề gốm khác trong cả nước để có sự kết nối, trao đổi mặt hàng, từ đó tạo ra sự liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, so với các thương hiệu gốm sứ khác trong cả nước, thương hiệu gốm Đông Triều còn khá mới mẻ, chưa được nhiều người tiêu dùng cũng như du khách biết đến. Bởi vậy, ngoài tiêu thụ sản phẩm do mình sản xuất ra, gia đình tôi cũng như nhiều hộ sản xuất ở đây phải nhận sản xuất sản phẩm theo đơn hàng và thương hiệu của những làng nghề gốm có tên tuổi khác để giữ nghề…
Anh Nguyễn Xuân Khoa, khu 5, phường Đức Chính cho biết: Những sản phẩm gốm nặng lửa thường có độ dày và nặng hơn nhiều so với các sản phẩm gốm khác nên thường khó bán lẻ để du khách mua làm quà lưu niệm, hay mang đi xa. Do vậy, để duy trì làng nghề hiện nay, chúng tôi cũng thực hiện việc sản xuất theo đơn đặt hàng để làm những sản phẩm theo nhu cầu của người đặt như: ấm, chén, kỷ niệm chương, ngói… Tuy nhiên, số lượng những sản phẩm theo đơn đặt hàng cũng không nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy, tình trạng các cơ sở sản xuất gốm sứ tư nhân nằm đan xen trong khu dân cư không chỉ khó phát triển sản xuất mà còn gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, nguồn khai thác sét trên địa bàn TX Đông Triều ngày một cạn kiệt, việc cấm khai thác cũng đặt khó khăn lớn cho những người thợ gốm Đông Triều duy trì làng nghề.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trên, hỗ trợ các làng nghề gốm Đông Triều ổn định phát triển, TX Đông Triều đã xây dựng thương hiệu "Gốm sứ Đông Triều" và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Ngoài ra thị xã đã phối hợp Hiệp hội Gốm sứ Đông Triều xây dựng Website của Hiệp hội với tên gọi "Hiệp hội gốm sứ Đông triều" và tên miền "http://gomsudongtrieu.vn" để thuận tiên cho việc quảng bá cũng như nhu cầu kết nối tiêu thụ. Về lâu dài, thị xã đã quy hoạch khu sản xuất gốm sứ tập trung tại khu vực Trung tâm văn hóa, dịch vụ gắn với du lịch và trình diễn, với diện tích toàn khu 113 ha, trong đó khu vực làng nghề truyền thống khoảng 12,5 ha… Tuy nhiên thực tế đang diễn ra ở những lò gốm cho thấy nếu các chính sách hỗ trợ không đến sớm chắc chắn nghề gốm ở đây sẽ còn tiếp tục lao đao.
Bài, ảnh: Nguyễn Thanh
Trình bày: Hải Anh
Ý kiến ()