Lưu giữ nét đẹp văn hoá truyền thống
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có nhiều lễ hội văn hoá truyền thống là các hội đình, hội chùa, hội làng. Đặc biệt là đa phần các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, dịp đầu năm mới. Tổ chức, quản lý sao cho các lễ hội bảo tồn, gìn giữ và phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc luôn là việc cần quan tâm.
Vào mỗi dịp đầu xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc. Lòng người dịu lại, phơi phới như giao hoà với trời đất. Bởi vậy, đi lễ hội không chỉ là nhu cầu tín ngưỡng mà còn là để du xuân, tham quan, ngắm cảnh sau một năm lao động vất vả của người Việt có từ lâu đời. Người đi lễ hội vì thế thường đủ các thành phần lứa tuổi, không kể địa vị xã hội, giàu nghèo… Đi lễ hội, người thì có mục đích là thắp nén hương nơi thờ Phật, thánh thần để cầu tài, cầu an cho bản thân, gia đình, cộng đồng, người thì chỉ đến để xem hội, tham gia các trò chơi dân gian.
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lễ hội. Sớm nhất sau tết là Lễ hội Tiên công ở vùng Hà Nam (TX Quảng Yên) ngày mùng 7 tháng giêng, kế đến là Lễ hội Yên Tử mùng 10 tháng giêng, Lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu) ngày 15-17 tháng giêng... Trên thực tế thì các lễ hội Yên Tử, đền Cửa Ông đã tấp nập từ trước Tết Nguyên đán rồi. Dịp Tết, dù không phải hội chính nhưng hầu hết các đình, chùa, đền, miếu cũng rất đông khách tới tham quan, du xuân vãng cảnh.
Những năm gần đây, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, nhu cầu của nhân dân, nhiều lễ hội văn hoá đã được phục dựng, duy trì tổ chức hằng năm. Nhiều trò chơi dân gian, thể thao truyền thống được phục hồi như chơi đánh đu, tổ tôm điếm, cờ người, đấu vật, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo… Qua đó, góp phần làm cho các lễ hội thêm sinh động, đậm đà màu sắc văn hoá. Cùng với đó, các tệ nạn, thói hư tật xấu tại lễ hội như cờ bạc, trộm cắp, mê tín dị đoan, trang phục, hành vi, cử chỉ thiếu văn hoá đã bị các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Tết Ất Tỵ 2025 diễn ra cùng vào thời điểm kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, do vậy, vừa qua, Sở Văn hoá - Thể thao đã ban hành một số văn bản đề nghị các địa phương tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian truyền thống như: Kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh quay, đánh gụ, đấu vật, đi cà kheo, bịp mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, cờ người… bảo đảm an toàn, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Cùng với tổ chức các hoạt động lễ hội, Sở Văn hoá - Thể thao cũng có các văn bản đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo các tổ chức, đơn vị, cá nhân quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc. Thông qua công tác kiểm tra, công tác quản lý các di tích và tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hoá, thể thao, quảng cáo trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các tồn tại, hạn chế để các hoạt động tại các di tích, lễ hội thực sự lành mạnh phục vụ nhân dân, du khách đến với Quảng Ninh trong dịp đón xuân Ất Tỵ.
Một mùa xuân mới đang về. Bước qua một năm không ít khó khăn, nhất là ảnh hưởng của bão Yagi, đất nước ta đang chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới. Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng tích cực. Khoa học công nghệ, cuộc sống số đang phát triển mạnh mẽ tác động đến mọi mặt đời sống con người. Mặc dù vậy, những nét văn hoá truyền thống trong lễ hội rất cần được bảo tồn, gìn giữ, phát huy.
Ý kiến ()