Mùa lễ hội xuân an toàn, vui tươi
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán cũng là bắt đầu thời điểm của những lễ hội xuân rộn ràng, vui tươi, đậm đà văn hóa truyền thống diễn ra khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các địa phương và ngành văn hóa, mùa lễ hội xuân năm nay tiếp tục được kỳ vọng sẽ vừa giữ được nét đẹp truyền thống, vừa có nhiều đổi mới trong khâu tổ chức, hứa hẹn mang đến không khí vui tươi, an toàn cho người dân và du khách.
Hấp dẫn lễ hội truyền thống
Ngày nay, các lễ hội truyền thống không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh, hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân mà còn đón khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu văn hóa. Qua đó, góp phần bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh của các khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh địa phương. Vì vậy, công tác chuẩn bị tổ chức các lễ hội đầu xuân luôn được các địa phương quan tâm, chỉ đạo tổ chức bài bản, chu đáo, đảm bảo trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm và mang đậm bản sắc của dân tộc.
Một trong những lễ hội đầu xuân không thể bỏ qua khi đi du lịch Quảng Ninh nói riêng và miền Bắc nói chung đó là Hội xuân Yên Tử được tổ chức kéo dài trong 3 tháng âm lịch đầu năm, trong đó, lễ khai hội xuân diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng (tức ngày 7/2/2025). Theo đó, ngoài các hoạt động đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, đến với Hội xuân Yên Tử, nhân dân và du khách sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa đặc sắc với các trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật truyền thống, nhạc cụ dân tộc; múa rồng, lân; biểu diễn võ thuật cổ truyền; trải nghiệm cưỡi ngựa... tại khu vực Quảng trường Minh Tâm; xem trưng bày, triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền, quảng bá về các giá trị và vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử và trải nghiệm ẩm thực, tìm hiểu văn hóa của cộng đồng người dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…
Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Văn Thành, cho biết: Đến nay, công tác chuẩn bị cho Hội xuân Yên Tử đang được gấp rút thực hiện để sẵn sàng đón tiếp nhân dân, du khách về dự hội. Thành phố đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá Hội xuân Yên Tử năm 2025. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị rà soát bổ sung hệ thống bảng biển chỉ dẫn trong Khu di tích Yên Tử; biển tuyên truyền vệ sinh môi trường, hình ảnh văn minh du lịch. Đồng thời, sửa chữa, bảo dưỡng, chỉnh trang hệ thống đường hành hương trong khu di tích, lắp đặt hệ thống ki ốt cung cấp thông tin du lịch tại các điểm tham quan, hướng dẫn việc sử dụng các dịch vụ, tiện ích tại Yên Tử; xây dựng pano giới thiệu sơ đồ tổng quan quần thể Di tích Yên Tử và các sơ đồ chi tiết các điểm di tích thành phần trong quần thể Di tích Yên Tử…
Đối với lễ hội đầu xuân, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và UBND TP Đông Triều cũng phối hợp xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện tổ chức 2 lễ hội quy mô cấp thành phố là Lễ hội xuân Ngoạ Vân và Lễ hội Thái Miếu đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả. Các lễ hội đều là sự kiện mang giá trị nhân văn, hướng về cội nguồn, tri ân công đức các vua Trần và các bậc tiền nhân có công với đất nước, do đó, các đơn vị đã chủ động từ sớm xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động đón nhân dân, du khách về dự lễ hội đảm bảo chu đáo.
Ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích nhà Trần, chia sẻ: Bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội, năm nay, thành phố tiếp tục chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ các lễ hội như: Liên hoan đàn và hát dân ca xuân Ngọa Vân TP Đông Triều; Liên hoan văn nghệ làng văn hóa xã An Sinh năm 2025, hoạt động thể dục thể thao, trò chơi dân gian; giới thiệu, trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu biểu của 19 xã, phường… Qua đó, nhằm giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân, của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích nhà Trần ở Đông Triều.
Góp phần quảng bá, phát triển du lịch văn hóa
Du xuân trẩy hội từ bao đời nay đã trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa, món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt. Các lễ hội được tổ chức vào dịp xuân mới là dịp để tôn vinh truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ngợi ca tinh thần yêu lao động, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, ước nguyện về những vụ mùa bội thu. Vì thế, những lễ hội đầu năm luôn tạo không khí vui tươi, rộn ràng giúp nhân dân có thêm niềm tin, động lực, hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Quảng Ninh hiện có hơn 100 lễ hội, trong đó gần 80 lễ hội truyền thống với nhiều lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Cùng với các lễ hội lớn tại TP Uông Bí và Đông Triều, một số lễ hội đầu xuân tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách thập phương của tỉnh có thể kể đến như: Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), Lễ hội chùa Cái Bầu (Vân Đồn), Lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu); Lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái), Lễ hội đình Đầm Hà (Đầm Hà)...
Theo thống kê, trung bình hằng năm, mỗi ngày các khu di tích, danh thắng nơi diễn ra các lễ hội đầu xuân đều đón từ 1.000 đến hơn 10.000 khách, cao điểm nhất là vào chính hội và các ngày nghỉ cuối tuần, cho thấy sức hút của du lịch văn hóa, tâm linh trên địa bàn tỉnh. Dự báo, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày nên người dân có xu hướng lựa chọn những tour du lịch 3 ngày 2 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm để tham quan, trải nghiệm văn hóa, nghỉ dưỡng… Đây chính là cơ hội thuận lợi để lễ hội đầu xuân thu hút du khách, thúc đẩy du lịch tâm linh tại các địa phương.
Mùa lễ hội xuân 2025 chuẩn bị bắt đầu và sẽ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Cùng với các địa phương trong cả nước, Quảng Ninh cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo các lễ hội xuân trên địa bàn diễn ra trang trọng, đúng nghi thức, vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, tạo ấn tượng sâu sắc cho người dân và du khách. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội trong phòng chống dịch bệnh, cháy nổ, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự. Qua đó, giữ gìn nét đẹp văn hóa tinh thần, xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nơi diễn ra các lễ hội xuân, đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch tâm linh hàng đầu cả nước, góp phần tích cực hiện thực hóa mục tiêu tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thu hút 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch 50.000 tỷ đồng.
Ý kiến ()