Gìn giữ "báu vật" cho muôn đời sau
Vào ngày 1-11 tới đây, Quảng Ninh sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới 17-12 (1994-2014). Thời gian này, nhiều hoạt động đã và đang diễn ra sôi động nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Vịnh Hạ Long đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Có thể nói, đây là dịp để cán bộ, người dân Quảng Ninh nói chung và người dân TP Hạ Long nói riêng nhìn lại chặng đường hai thập niên bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị của di sản, nhất là công tác bảo vệ môi trường.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Ninh, bà Katherine Muller, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam từng chia sẻ: “Vịnh Hạ Long là “báu vật” mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam mà cụ thể là tỉnh Quảng Ninh. Các bạn phải rất tự hào vì mình có một di sản đẹp diệu kỳ có một không hai này. Nhưng, sở hữu một tài sản vô giá như Vịnh Hạ Long, đồng nghĩa với các bạn phải có trọng trách là làm tốt công tác bảo tồn, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường trong thời kỳ Quảng Ninh đang công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách mạnh mẽ”.
Xác định rõ điều này, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có những quy định nhằm gìn giữ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long như: Nghiêm cấm chuyển tải clinker, xi măng… trên Vịnh, di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bóc rót than gây ảnh hưởng môi trường và hạn chế phát triển quỹ đất đô thị bằng lấn biển… Và mới đây nhất là hoàn thành việc di dời các hộ ngư dân đang sinh sống trên Vịnh Hạ Long lên bờ để tạo mỹ quan đẹp, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó chú trọng nâng cao, chuyển biến nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường di sản. Cùng với đó là áp dụng các quy chuẩn về môi trường của Việt Nam, cũng như các nước phát triển nhằm bảo tồn, phát huy, nâng cao giá trị của Vịnh Hạ Long đảm bảo phát triển bền vững.
Có thể thấy, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc tích cực nhằm gìn giữ và bảo vệ di sản quý báu. Tuy nhiên, theo bà Katherine Muller thì chỉ chính quyền vào cuộc là chưa đủ. Bởi lẽ, hàng năm Vịnh Hạ Long đón một lượng lớn du khách đến tham quan, cùng với đó là hàng trăm nghìn người sống bên bờ Vịnh thì việc nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường cho họ là hết sức quan trọng. Người dân địa phương cũng như du khách phải nhận thức rõ việc bảo tồn và gìn giữ di sản là trọng trách của chính mình.
Hàng năm Vịnh Hạ Long đón rất nhiều đoàn tình nguyện viên nước ngoài đến tham gia bảo vệ môi trường. Điều đó khiến chúng ta tự hào vì địa danh của Quảng Ninh được bạn bè trên thế giới biết đến và gìn giữ, nhưng một phần cũng khiến không ít người chạnh lòng bởi “báu vật” là của chúng ta mà chính chúng ta còn bàng quan.
Chặng đường bảo tồn, gìn giữ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là mãi mãi, chính vì vậy ngay từ bây giờ mỗi người dân Quảng Ninh nói chung, người dân Hạ Long nói riêng phải cùng chung tay tuyên truyền, bảo vệ kỳ quan của thế giới, làm tốt điều đó là ta đang gìn giữ “báu vật” cho muôn đời sau.
Thái Bình
Ý kiến ()