Giao ban Thường trực Tỉnh uỷ
Ngày 7/3, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Trong tuần qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng. Hiện nay, các địa phương, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang quản lý trên 90.000 bệnh nhân F0, trong đó, số cách ly tại nhà chiếm 96,72%. Số F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chiếm 99,53% tổng số F0 đang điều trị. Số ca tử vong trong tuần bằng 0,027% số mắc mới. Tính đến ngày 6/3, trên địa bàn tỉnh giảm 60 xã cấp độ 3 và 18 xã cấp độ 4 so với tuần trước.
Tuần qua, Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, toàn tỉnh triển khai các giải pháp đồng bộ đặc biệt là công tác phân luồng, thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân F0 đảm bảo yêu cầu đặt ra. Các địa phương đã thành lập thêm các Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng; huy động thêm lực lượng tình nguyện viên để hỗ trợ cho các Trạm y tế và Trạm y tế lưu động; tiếp tục thực hiện tiêm vét mũi 1, 2, 3 cho các đối tượng đủ điều kiện, đặc biệt người cao tuổi, bệnh nền có chỉ định mà không tiêm; sẵn sàng phương án triển khai tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi khi được Bộ Y tế cho phép.
Sở Y tế chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện trang thiết bị, vật tư y tế, oxy, thuốc thiết yếu, thuốc kháng vi rút... tại các cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu thu dung, điều trị; chỉ đạo các cơ sở y tế sẵn sàng thường trực cấp cứu kịp thời chuyển tuyến cho người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà khi có dấu hiệu chuyển nặng; tăng số giường điều trị F0 lên 4.500 giường bệnh.
Sau khi thảo luận, lắng nghe ý kiến của cơ sở, nhất là ở cấp xã, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cơ bản thống nhất một số nội dung. Hiện nay, thông qua giải trình tự gen xác định chủng vi rút tại một số địa bàn, có thể nhận định biến chủng Omicron đã xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Với tốc độ lây lan rất nhanh, việc xuất hiện biến chủng Omicron dẫn tới gây nguy cơ số ca nhiễm mới sẽ tiếp tục cao ở quy mô rộng và lo ngại hơn là lây lan tới các trường hợp không thể tiêm vắc xin, dẫn tới nguy cơ số ca trở nặng, số ca tử vong tăng.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, xác định mục tiêu lớn nhất hiện nay là giảm số ca mắc mới, nhất là đối tượng người cao tuổi, có bệnh nền, người yếu thế, trẻ em dưới 12 tuổi; giảm số ca nhập viện, giảm ca chuyển nặng và giảm ca tử vong, tiếp tục giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới; thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân; vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa ổn định kinh tế - xã hội, giữ đà tăng trưởng.
Để thực hiện mục tiêu này, mỗi địa phương cấp xã, cấp huyện căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh từ sau Tết tới nay ở địa bàn mình để xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cũng như những đối tượng cần quản lý, giám sát chặt chẽ hơn.
Về quan điểm, tiếp tục thực hiện đúng phương châm 3 trước, 4 tại chỗ và nguyên tắc 5K+vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ và ý thức người dân; tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở trong nhận định, đánh giá, tầm soát, phát hiện sớm, hỗ trợ sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong. Đồng thời, luôn lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, mỗi gia đình là nền tảng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chủ động phát hiện, khai báo ca bệnh trong cộng đồng cũng như người dân được thuận lợi nhất trong tiếp cận các cơ chế chính sách trong phòng chống dịch, đặc biệt tiếp cận với thuốc điều trị Covid-19 và sử dụng an toàn, hiệu quả.
Tiếp tục gắn tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, trực tiếp là toàn ngành y tế chính quyền cấp xã, cấp huyện trong quản lý, kiểm soát bảo vệ đối tượng phải bảo vệ trọng điểm nhằm kịp thời phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong đặc biệt là trường hợp người già có bệnh nền, không thể tiêm vắc xin, đồng bào dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo. Nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị Covid-19 trên cơ sở đảm bảo đủ cơ số thuốc kháng vi rút, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 tại tất cả trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động, đáp ứng đủ nhu cầu, điều trị Covid-19 tại nhà của người dân dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn trên mọi nền tảng để hỗ trợ tối đa người dân được tiếp cận thông tin chính thống, có căn cứ khoa học để nâng cao hiệu quả, theo dõi điều trị F0 tại nhà, với sự hỗ trợ tốt nhất cả chuyên môn và tâm lý. Trước mắt, mở thêm đường dây nóng, hỗ trợ để tư vấn tối đa cho nhân dân. Nâng cao năng lực thu dung, điều trị ở các tuyến, giảm tối đa các trường hợp trở nặng, tử vong.
Bí thư cấp huyện, cấp xã trực tiếp cùng ngành y tế để củng cố nhân lực y tế tuyến xã/phường, gồm cả y tế lưu động, y tế cố định đảm bảo tính liên thông tổng thể và không để trạm y tế nào bị quá tải về nhân lực và giảm tính hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời, các cơ quan chức năng rà soát lại chế độ chính sách cho đội ngũ y tế xã/phường trong điều kiện công việc nhiều, áp lực lớn. Cùng với đó, tiếp tục chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo và địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tăng cường công tác dân vận, công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận, tin tưởng, an tâm, chung sức đồng lòng trong thực hiện các nhiệm vụ chống dịch theo sự chỉ đạo chung của Chính phủ, của tỉnh. Các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để trục lợi, nâng giá, buôn bán hàng hóa, thuốc men không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… nhằm bảo vệ lợi ích cho nhân dân và bình ổn thị trường trên địa bàn. Tăng cường thông tin, truyền thông, định hướng dư luận để làm thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi của từng cá nhân phù hợp với tình hình mới, nhất là tuân thủ nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế.
Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe báo cáo rà soát thực trạng quy hoạch, sử dụng đất dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; quy hoạch phát triến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều.
Theo định hướng quy hoạch vùng Đông Triều – Uông Bí – Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt đã xác định quỹ đất phát triển như sau: Quỹ đất dành cho công nghiệp, logistics, cảng, bến bãi với tổng diện tích 5.500 ha. Hiện nay, các khu vực định hướng dành cho phát triển công nghiệp, logistics, cảng, bến bãi đang nghiên cứu lập quy hoạch phân khu với tổng diện tích trên 4.000ha. Quỹ đất dành cho đô thị mới 3.470ha, phần lớn là các khu vực đã, đang triển khai dự án và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết; còn lại cần được nghiên cứu, ưu tiên hành để phát triển nhà ở công nhân, người lao động cho các KCN. Đối với các Cụm công nghiệp, việc nghiên cứu, xác định, lựa chọn và đề xuất đưa vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp một số địa phương chưa thực sự hợp lý về vị trí, địa hình và quy mô dẫn đến một số cụm công nghiệp không thuận lợi trong việc đầu tư, kết nối hạ tầng kỹ thuật trong khu vực. Quy mô diện tích cũng nhỏ chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và phải điều chỉnh lại quy mô, vị trí để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư...
Cho ý kiến chỉ đạo nội dung này, Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều là dự án trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt, hình thành tuyến giao thông đối ngoại liên kết vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho toàn khu vực phía Tây của tỉnh; tăng tính liên kết của tam giác kinh tế Quảng Ninh – Hà Nội – Hải Phòng, đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ. Tuyến đường hoàn thành sẽ khai thác hợp lý có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về đất đai trong khu vực và tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, các KCN, cụm công nghiệp, khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tuyến phía Tây và tỉnh Quảng Ninh. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường, việc rà soát các lớp quy hoạch, đất đai dọc 2 bên tuyến đường ven sông và rà soát các KCN, cụm công nghiệp là cần thiết để chỉ đạo kịp thời nhằm phát huy định hướng quy hoạch, lợi thế tuyến đường và quỹ đất 2 bên tuyến đường.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo 3 địa phương nơi có tuyến đường đi qua cùng với các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện thực trạng về quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch sử dụng đất đối với không gian quỹ đất đã có quy hoạch trước với quan điểm thẳng thắn, công bằng để đảm bảo quản lý quỹ đất bền vững, tầm nhìn dài hạn. Phải nghiên cứu dành quỹ đất tối đa để phát triển dịch vụ, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế rất đặc biệt của tuyến sông, cảng biển, lợi thế về sân bay, cao tốc, nguồn nhân lực; đồng thời dành quỹ đất phát triển khu công nghiệp thông minh, chuyên sâu, những công viên đổi mới sáng tạo gắn với đô thị đại học.
Ý kiến ()