Giá vàng sẽ tăng tới đâu?
Nguyên nhân chủ yếu nhất là do giá vàng trên thị trường thế giới cũng tăng liên tục với tốc độ cao. Vào 19 giờ ngày 5.4, giá vàng trên thị trường thế giới đã tăng lên ở mức 678,3 USD/ounce, tính ra tiền Việt Nam (với mức 8,3 chỉ/ounce và tỷ giá 16.025 VND/USD) đã lên tới 1,31 triệu đồng/chỉ và tính thêm chi phí nhập khẩu, kinh doanh và thuế..., thì giá vàng ở trong nước sẽ lên tới 1,35 triệu đồng/chỉ. Đó là chưa kể giá vàng trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu thế tăng do tác động của nhiều yếu tố. Giá USD tiếp tục giảm so với các đồng tiền trên thế giới, nhất là đồng euro, đồng bảng Anh... Đã thế lại có thông tin, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đang có ý định giảm mức lãi suất (5,25%) hiện nay xuống nữa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ đang thấp hơn dự báo và thấp hơn năm trước. Các nước có dự trữ ngoại hối lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Liên bang Nga... đang muốn cơ cấu lại quỹ dự trữ ngoại hối này bằng cách bán USD ra, mua vàng và các ngoại tệ mạnh khác vào dự trữ thay; ngoài ra các nước này cũng đang muốn đưa số dự trữ này ra đầu tư để nâng cao hiệu quả của tiền vốn tránh để ứ đọng. Các nhà đầu tư đứng trước tình hình giảm giá của đồng USD cũng đã chuyển vốn đầu tư từ USD sang đầu tư vào vàng; mà đầu tư vào vàng bây giờ cũng không chỉ là để bảo toàn vốn, mà cũng có giá trị như là đầu tư kinh doanh. Trong các nhà đầu tư, có không ít những nhà đầu cơ khi giá vàng xuống thấp đã mua vào mạnh để đẩy giá lên, khi giá lên khá cao lại bán ra mạnh để thu lãi và kéo theo giá vàng xuống, rồi lại mua vào/ bán ra. Điều đó lý giải tại sao giá vàng lại biến động theo hình răng cưa kế tiếp nhau (lúc tăng, lúc giảm). Có điều đó là chiếc cưa dốc lên - tức là vẫn nằm trong xu hướng tăng lên. Trong khi đó, tình hình chính trị, quân sự ở một số vùng trên thế giới tiếp tục không ổn định, thậm chí còn nóng lên. Đó là nói về giá vàng trên thế giới. Còn ở trong nước thì cũng có một số yếu tố tác động đến giá vàng. Tăng trưởng kinh tế ở trong nước liên tục đạt cao trong thời gian dài, làm cho thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng lên theo, có "bát ăn bát để", kéo theo nhu cầu vàng trang sức, kể cả vàng có tính chất "bỏ ống" để tích cốc phòng cơ (thực tế thời gian qua vàng "bỏ ống" cũng sinh lãi và lãi lớn). Một số nhà đầu tư có lãi trong cơn sốt "phi mã" của giá chứng khoán đã chuyển sang mua vàng và khi giá chứng khoán có xu hướng "đao" xuống đã chuyển vốn sang đầu tư vào các kênh khác, trong đó có vàng để chia sẻ rủi ro. Mặc dù giá vàng không ổn định nên nhiều người cho rằng kênh đầu tư vàng không hấp dẫn; nhưng hỏi rằng, nước ta chỉ có nhập vàng chứ không có xuất, thậm chí trong nhiều năm qua lượng nhập khẩu lên đến 50-60 tấn/ năm, thì số vàng đó sẽ chạy đi đâu, nếu không chạy vào tích trữ trong dân? Nhiều kẻ làm ăn tiêu cực (tham nhũng, buôn bán bất hợp pháp...) cũng thấy rằng nếu "rửa tiền" bằng bất động sản thì trước sau cũng bị lộ (dù có đứng tên con, đứng tên "bồ"...) và khi cần chuyển đổi thành tiền, thành vàng, thành USD thì đâu có dễ dàng, nhanh chóng so với việc "rửa tiền" bằng tích trữ vàng? Nói là giá vàng tới đây sẽ vượt 13,5 triệu đồng/lượng, có nghĩa là có thể còn cao hơn mức đó. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào giá vàng trên thị trường thế giới, lại có yếu tố đầu cơ, nên giá vàng cũng sẽ biến động theo hình "răng cưa" tức là lúc tăng, lúc giảm, nhưng mặt bằng theo hướng dốc lên, tức là theo xu hướng tăng!
Ý kiến ()