“Được mùa” khách du lịch đường biển
Mọi thủ tục cho việc khai thông tuyến du lịch này đã được hoàn thành. Như vậy, sau tuyến du lịch đường biển Bắc Hải (Trung Quốc) – Hạ Long (Việt Nam) vừa được khai thông trở lại thời gian qua, đây là tuyến du lịch đường biển thứ hai được khai thông mang theo hàng trăm du khách nước ngoài mỗi đợt đến Hạ Long.
Còn một điều đáng mừng nữa là ngày 4-11 vừa qua, tàu Costa Allegra (thuộc hãng tàu Costa Crociere S.p.A – lớn nhất Châu Âu) có sức chở 1.000 khách đã đưa 500 khách du lịch quốc tế cập cảng Cái Lân để tham quan Vịnh Hạ Long. Đây là chuyến đầu tiên tàu ghé cảng Cái Lân và theo lịch trình cứ 5 ngày tàu lại đưa khách đến Hạ Long.
Có thể nói những sự kiện trên là tín hiệu vui đối với ngành Du lịch Quảng Ninh và năm 2006 được coi là năm khởi khắc trở lại của thị trường khách du lịch đường biển. Chắc chắn Hạ Long-Quảng Ninh phải có sức hút mạnh mẽ như thế nào mới có được sự khởi sắc như vậy. Trong đó cơ cấu khách cũng có sự thay đổi lớn không chỉ tập trung vào khách Trung Quốc mà đã có nhiều khách người Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu...
Được biết, sau 3 chuyến đưa khách đến Việt Nam qua các cửa ngõ: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh) hãng tàu Costa Crociere S.p.A đã đề nghị Saigon tourist thay đổi lộ trình tour. Theo đó, các chuyến tàu đến Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ không cập cảng TP Hồ Chí Minh mà dành trọn 2, 3 ngày dừng chân ở các điểm tham quan Hạ Long, Đà Nẵng, phố cổ Hội An và Huế. Lý do, theo một trưởng phòng lữ hành quốc tế của một công ty du lịch lớn cho rằng TP Hồ Chí Minh không có chương trình giải trí hấp dẫn khách quốc tế; các chợ đêm còn nghèo nàn hơn chợ ngày; không có các chương trình khuyến mại mua sắm hấp dẫn du khách, chưa kể còn bị “chặt chém”, nói thách; khách còn bị làm phiền bởi đội ngũ hàng rong; các chương trình tour ít thay đổi, thiếu điểm tham quan mới...
Từ bài học ở TP Hồ Chí Minh, thiết nghĩ ngành Du lịch Quảng Ninh và các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn cần rút ra kinh nghiệm, có phương hướng, giải pháp phù hợp để giữ chân du khách, đặc biệt là với các đối tượng khách “khó tính”, có nhu cầu cao của các nước phát triển và Châu Âu.
Ý kiến ()