Đừng coi là chuyện nhỏ
Có lẽ hiếm có nước nào như Việt Nam, rất nhiều viện nghiên cứu, rất nhiều giáo sư, tiến sĩ "ăn cơm dân" nghiên cứu ra hàng trăm đề tài khoa học cấp bộ, ngành, cấp nhà nước, tiêu tốn nhiều tỷ đồng, in thành tuyển tập cất vào kho, nhưng khi "nước sôi, lửa bỏng" thì lại "im lặng" đến kỳ lạ!
Trở lại câu chuyện giá thịt lợn tăng nhanh. Lúc này người dân, các cơ quan quản lý rất cần các viện, các nhà khoa học vào cuộc, đánh giá, phân tích, chỉ ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, chuyện này có vẻ "quá tầm thường", "chuyện vặt của mấy bà nội trợ", nên các nhà khoa học, các viện nghiên cứu không để tâm, họ còn phải dành công sức cho các đề tài mang tính "vĩ mô và tầm vóc chiến lược"!
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, mỗi năm cả nước có khoảng 2.000 đề tài khoa học từ cấp tỉnh trở lên được bảo vệ thành công, đề tài ít thì trên dưới trăm triệu, nhiều thì hàng tỷ, nhưng chỉ có không quá 20% số đề tài được áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả thực sự.
Vậy mà bây giờ dân cần, nước cần sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc cho một lĩnh vực rất nhạy cảm, đó là đảm bảo an sinh xã hội để có quyết sách đúng đắn cho sự phát triển bền vững thì không thấy "các vị đáng kính" đâu cả. Ví như các viện, các giáo sư, tiến sĩ cứ để cho bác nông dân quê mùa bán cả nhà cửa, bỏ bễ mùa màng, hý hoáy làm máy bay, đến khi làm xong thì xuất hiện và… không cho bay!
Bây giờ dân trí đã cao, từ người dân bình thường nhất cũng được tiếp cận nhiều thông tin qua mạng internet, vì vậy khi không ai giải thích cho họ thì họ tự bàn luận, suy diễn. Người thì cho rằng, bây giờ nhiều người không nuôi lợn nữa, kể cả nông dân ở vùng quê, nên số lượng đầu lợn ngày một giảm. Người thì cho rằng, muốn nuôi lợn bây giờ cũng khó, bởi cái mà nông dân dùng cho chăn nuôi ngày càng giảm. Các vùng ruộng tốt nhất, màu mỡ nhất đã chuyển sang làm dự án hạ tầng, làm khu công nghiệp, còn tí ruộng, thậm chí hết cả ruộng rồi, lấy đâu mớ rau, cân cám, cây bèo nuôi lợn nữa? Còn nếu nuôi bằng cám công nghiệp thì phải nuôi nhiều mới có lãi chứ nuôi ít có mà lỗ to. Dân miền biển như Quảng Ninh thì lại suy luận khác: Từ khi đổi mới, dân khá lên, ăn hải sản nhiều, thịt lợn chỉ dành cho người nghèo. Nay kinh tế khó khăn, hải sản cũng cạn kiệt dần, khách du lịch các nơi đến lại "nghiện" hải sản Quảng Ninh nên giá tăng lên, dân không còn khả năng sài sang nữa, đành quay sang thịt lợn. Nói có vẻ có lý vì hiện nay tôm ngon đã ngót triệu một cân, ngán mua cả đất cũng phải trên 250 ngàn một ký, tính ra, mỗi con cũng vài chục ngàn. Còn các món dân dã như mớ mỏ quạ, mớ quéo, trước nhiều lắm, nhưng nay cũng khó tìm được ở chợ.
Kinh tế khó khăn, giá cả thực phẩm, nông sản, đặc biệt là thịt lợn - loại thực phẩm số một ở Việt Nam - tăng đến chóng mặt, đang tác động trực tiếp đến đời sống của đông đảo các tầng lớp xã hội. Mong các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, các viện nghiên cứu danh tiếng đừng coi đây là chuyện nhỏ, bởi hệ lụy của nó sẽ là không nhỏ nếu không có những giải pháp tích cực, cụ thể.
Ý kiến ()