Du lịch “vượt bão” tạo sức bật vươn mình: Chớ “ngủ quên” trên chiến thắng
Ngành du lịch Việt được "cảnh báo" chớ “ngủ quên” trên chiến thắng của năm 2024. Bởi thực tế, trên “đường đua” của ngành công nghiệp không khói, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đang bứt tốc mạnh mẽ.
Đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế là mục tiêu được đặt ra cho toàn ngành du lịch Việt năm 2025. Các chuyên gia đánh giá dù mục tiêu cao nhưng cũng thể hiện quyết tâm đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tuy vừa trải qua giai đoạn khó khăn từ đại dịch đến thiên tai, bão lũ, song du lịch Việt Nam có cơ sở “cán đích” trong năm Ất Tỵ nhờ kết quả phục hồi tích cực của năm 2024 – thu hút lượng khách ngoại tới 98% so với năm 2019 (trước thời điểm COVID-19), cao hơn cả Thái Lan, Singapore hay Indonesia, Malaysia, Philippines... Dẫu vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo “chớ ngủ quên trên chiến thắng.”
Hiên ngang “vượt bão”
2024 được đánh giá là năm khó khăn chồng chất đối với nền kinh tế nói chung, trong đó có du lịch, khi nhân dân cả nước đã phải “oằn mình” đi qua những thiên tai, bão lũ ảnh hưởng trực tiếp, gây thiệt hại nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, Cục Du lịch Quốc gia lại chỉ ra Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ phục hồi du lịch năm 2024 tốt nhất Đông Nam Á.
Năm 2024, trong khi Việt Nam đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế (mức phục hồi đạt 98% so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra), thì các nước khác trong khu vực đều có mức phục hồi thấp hơn như Thái Lan (88%), Singapore (86%), Philippines (72%)…
Trong bảng xếp hạng các nước đón nhiều khách quốc tế nhất Đông Nam Á 2024, Việt Nam cũng “vượt mặt” Singapore (16,5 triệu lượt), vươn lên xếp thứ ba, chỉ sau Thái Lan (với 35 triệu lượt) và Malaysia (24,5 triệu lượt). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao hơn Indonesia (gần 14 triệu lượt) và Philippines (gần 6 triệu lượt).
Có thể thấy, việc tăng từ 12,6 triệu lượt khách quốc tế (năm 2023) lên 17,5 triệu trong năm 2024 là nỗ lực đáng kể của ngành công nghiệp không khói nước nhà. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng phục vụ khoảng 110 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ du lịch ước đạt 840 nghìn tỷ đồng.
Mới đây, khảo sát xu hướng từ nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho thấy, Phú Quốc đang trở thành lựa chọn điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế trong năm 2025, với lượng tìm kiếm chỗ ở tăng 266% so với năm 2024. Số liệu từ nền tảng này cũng ghi nhận mức tăng trưởng lượng khách đáng kể từ các thị trường nguồn khác như Hàn Quốc (tăng 94%), Đài Loan-Trung Quốc (tăng 123%).
Trước những kết quả tích cực của du lịch Việt Nam, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia nhận định: “Với tốc độ tăng trưởng của du lịch thời gian qua cùng những ghi nhận của quốc tế, những chuyển động mạnh mẽ từ nội tại, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào sức bật của du lịch Việt Nam thời gian tới. Có thể coi đây là bước ngoặt. Du lịch Việt Nam luôn sẵn sàng tâm thế bước vào thời kỳ phát triển mới với động lực mới, sức bật mới.”
Chớ “ngủ quên” trên chiến thắng
Các chuyên gia cho rằng sở dĩ du lịch Việt có được “bước ngoặt” tăng trưởng mạnh mẽ như bây giờ là nhờ từ 15/8/2023 Chính phủ mở rộng cửa với thị trường quốc tế, bằng việc nâng thời hạn tạm trú cho công dân 13 nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày, cũng như áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ tại 13 sân bay, 13 cửa khẩu đường biển và 16 cửa khẩu đường bộ; thời hạn thị thực điện tử được nâng từ không quá 30 ngày lên không quá 90 ngày và thị thực có giá trị nhập cảnh nhiều lần…
Đáng chú ý, 2024 được coi là năm “bùng nổ” các hoạt động quảng bá du lịch Việt ra với thế giới, đặc biệt các thị trường trọng điểm; cơ sở hạ tầng lưu trú, khách sạn, dịch vụ du lịch được cải thiện góp phần giúp du khách nâng cao trải nghiệm.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tập trung vào các loại hình hút khách như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, MICE… Trong đó, đáng chú ý MICE là loại hình cho thấy sự khởi sắc năm vừa qua, tiêu biểu là đoàn 4.500 khách Ấn Độ tới Việt Nam hồi tháng 8/2024.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng “rung chuông” cảnh báo các nhà làm du lịch nước nhà chớ “ngủ quên” trên chiến thắng của năm 2024. Bởi thực tế, trên “đường đua” của ngành công nghiệp không khói, không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước cũng tăng tốc và thậm chí còn tăng nhanh hơn. Nếu Việt Nam mới đạt mức “gần phục hồi,” thì Malaysia đã phục hồi với 28 triệu lượt khách quốc tế đến từ năm 2023.
Do đó, các chuyên gia cho rằng 17,5 triệu lượt khách quốc tế chưa thể là thước đo thành công, nhất là đem so con số này với các nước trong khu vực. Mặc dù Singapore ước đón chỉ 15-16 triệu lượt khách, về dữ liệu số học có thể là “thua” Việt Nam nhưng diện tích Quốc đảo Sư Tử chỉ lớn hơn đảo Phú Quốc 100 km2, tức là rộng 700 km2. Như vậy, nếu so sánh về lượng khách sẽ là khập khiễng.
Một ví dụ khác, năm 2024 Thái Lan ước đón 36 triệu lượt khách quốc tế, trong khi dân số xứ sở Chùa Vàng gần 72 triệu người, vậy tương đương hai người Thái sẽ đón một du khách. Nếu so sánh theo “đối trọng” này thì ngành du lịch Việt phải đặt mục tiêu đón 50 triệu lượt khách, trên tổng số hơn 100 triệu dân mới tương xứng.
Du lịch Việt Nam bứt phá, du lịch các nước cũng bứt phá mạnh mẽ. Du lịch Việt Nam vươn mình thành “mũi nhọn,” du lịch nhiều nước cũng quyết liệt tới cùng. Chính vì thế, để phát triển bền vững, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh toàn ngành du lịch sẽ tập trung vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, định vị thương hiệu.
Đặc biệt, du lịch Việt sẽ chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; tập trung xây dựng các sản phẩm ngày càng đẳng cấp nhằm mang đến những trải nghiệm có giá trị thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách. Trong đó, sẽ tập trung đổi mới từ phương thức xúc tiến quảng bá du lịch đến đề xuất những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển bền vững…/.
Năm 2024, du lịch Việt Nam tiếp tục được quốc tế vinh danh tại nhiều giải thưởng lớn. Ở cấp quốc gia, năm 2024 Việt Nam lần thứ 5 được bình chọn là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” (2019, 2020, 2022, 2023, 2024); lần thứ 8 được bình chọn là “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á” (2017, 2018, 2019, 2020 2021, 2022, 2023, 2024); Năm qua, Việt Nam tiếp tục lần thứ 6 được bình chọn là “Điểm đến hàng đầu châu Á” (2018, 2019, 2021, 2022, 2023, 2024); lần thứ 2 được bình chọn là “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” (2020, 2024) và lần thứ 3 được bình chọn là “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á” (2022, 2023, 2024). Tháng 11/2024, tại Cartagena de Indias, Colombia, Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc (UN Tourism) đã xướng danh Làng rau Trà Quế (Quảng Nam) là “Làng du lịch tốt nhất 2024”… |
Ý kiến ()