
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo
KHCN và đổi mới sáng tạo đã và đang được xác định là động lực chủ chốt cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao trong kỷ nguyên mới. Để làm rõ hơn thực trạng và giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện tham gia sâu việc ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Cường.
![]() - Xin ông cho biết về thực trạng nhiệm vụ phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là việc ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay? Xác định KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, từ năm 2012 đến nay Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này với hàng loạt nghị quyết, quyết định phê duyệt quy hoạch, chương trình hành động, kế hoạch... để thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các ngành, thành phần kinh tế, cộng đồng xã hội và nhân dân về vai trò, vị trí của KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt. KHCN đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân… Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 29 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KHCN, đứng thứ 5 toàn quốc, được triển khai đồng bộ trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, môi trường, xây dựng, thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh tích cực đầu tư nghiên cứu, sáng chế nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Những doanh nghiệp này không chỉ đổi mới quy trình sản xuất, mà còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Cùng với đó, hiện trên địa bàn tỉnh có 33 tổ chức KHCN, trong đó 8 tổ chức công lập được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, nhân lực, đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn, cung cấp dịch vụ KHCN, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, thực nghiệm và phát triển công nghệ. Hệ thống này góp phần nâng cao chất lượng giám định, kiểm soát môi trường và dịch bệnh, cung cấp các loại giống cây trồng, vật nuôi mang lại năng suất cao; đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, giúp các ngành sản xuất và dịch vụ trong tỉnh tiếp cận nhanh chóng với những tiến bộ khoa học hiện đại. Hạ tầng KHCN được nâng cấp khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp than, đóng tàu, chế biến, chế tạo đầu tư phát triển công nghệ ở tầm quốc gia và khu vực. Ngoài ra, sự kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu khoa học cũng góp phần tạo ra các sản phẩm công nghệ có giá trị thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. |

- Việc phát triển KHCN và ứng dụng sâu các thành tựu khoa học vào sản xuất kinh doanh vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông có thể làm rõ về điểm nghẽn này?
Mặc dù các doanh nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trong ứng dụng KHCN, tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc ứng dụng sâu các thành tựu KHCN vào sản xuất kinh doanh. Thông qua các buổi tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp, cafe công nghệ, tôi nhận thấy một số khó khăn, điểm nghẽn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải trong việc ứng dụng sâu các thành tựu KHCN được tóm gọn trong 6 vấn đề chính, là: Thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư đổi mới công nghệ; thiếu nhân lực chất lượng cao về KHCN; thiếu thông tin và kết nối về công nghệ mới; có tâm lý e ngại rủi ro khi đầu tư vào công nghệ mới; cơ chế hỗ trợ từ chính sách chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu phát triển.

- Phía cơ quan quản lý nhà nước đã và sẽ triển khai những giải pháp gì để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, thưa ông?
Để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng nguồn lực, khuyến khích, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, thời gian tới tỉnh tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Trung ương, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về KHCN, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, NSNN, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… Đồng thời cải tiến, đổi mới phương thức quản lý, triển khai các nhiệm vụ KHCN phù hợp với từng loại hình nghiên cứu của tỉnh; tối giản hoá tối đa các TTHC của nhiệm vụ KHCN; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Khi có quy định của Trung ương sẽ thí điểm chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; thành lập và sử dụng các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện việc đổi mới công tác quản lý nhà nước, quản trị địa phương của các cấp chính quyền, các ngành, đơn vị trong điều kiện chuyển đổi số, kinh tế số, để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và của nền kinh tế tỉnh; mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng những thành tựu của KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học...; thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại để thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp về chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về KHCN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KHCN; tập trung hoàn thiện một số chương trình, đề án về KHCN và triển khai hiệu quả các dự án về hạ tầng KHCN trên địa bàn; tăng cường thu hút đa dạng nguồn lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là khối tư nhân, doanh nghiệp FDI…
Cùng với đó, tăng cường thu hút đa dạng các nguồn lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo; tối ưu hóa quy trình thủ tục, đặc biệt là liên quan đến chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN; đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động KHCN theo hướng thực chất, hiệu quả… Đồng thời, đẩy mạnh việc thúc đẩy hội nhập sâu rộng, mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác chiến lược có thế mạnh về KHCN phù hợp với lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên tập trung đẩy mạnh như công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Từ đó, góp phần thúc đẩy ứng dụng KHCN trong các hoạt động phát triển KT-XH, tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng sâu KHCN, tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động trong các lĩnh vực công nghệ cao, giúp doanh nghiệp có đủ nhân lực chất lượng để vận hành và phát triển; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước và các tổ chức liên quan.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến ()