Dồn khó cho dân
Trên công luận phản ánh việc “ký điểm danh” ở TP Hà Nội. Ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện trả lương hưu qua thẻ, nhưng muốn thực hiện được giao dịch này thì người nhận lương hưu phải đi “ký điểm danh” tại quận.
Vì cái chuyện “ký điểm danh” này mà biết bao phiền toái với người dân. Có ý kiến bình luận: Việc xác định các cụ “còn tồn tại” hay không mà vẫn nhận lương qua thẻ thiếu gì cách xác minh mà phải nghĩ ra “hạ sách” như vậy. Chỉ cần các cơ quan hành chính phối hợp với nhau thì mọi việc trở nên đơn giản hơn nhiều. Họ không hiểu hay cố tình làm khó cho dân?
Quản lý, phối hợp quản lý kém hiệu quả, hoặc tiến hành công việc thiếu tích cực, thế là để được việc, các nhà quản lý thường đề ra các “biện pháp” dồn khó khăn cho người dân.
Từng có các xã phường quy định, khi có việc liên quan đến xác nhận, chứng thực, công dân của phường xã ngoài mang sổ hộ khẩu, còn phải mang sổ ghi các khoản đóng góp để xem có đầy đủ hay không, nếu chưa đóng góp thì phải đóng đã rồi xã phường mới ký, mới đóng dấu. Đến khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng thế, phát lệnh đến từng nhà cho từng thanh niên, nhưng khi đi khám, ngoài chứng minh thư, lệnh khám nghĩa vụ quân sự, chính quyền còn yêu cầu mang theo cả sổ hộ khẩu!
Mới đây Chính phủ đã ban hành một nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đã có những quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục xử lý vi phạm hành chính. Trước đây không ít người bị xử phạt hành chính, nhất là vi phạm về luật lệ giao thông đều cảm thấy: tiền phạt không “nặng” bằng thủ tục hành chính của việc xử phạt. Đây cũng là nguyên nhân của các tiêu cực phát sinh, thà dùng tiền “lót tay” còn hơn phải mất thời gian, công sức cho việc thực hiện thủ tục phạt hành chính.
Vì thế các cơ quan hành chính cần phối hợp hiệu quả, giảm bớt thủ tục không cần thiết để vừa đảm bảo quản lý tốt, vừa tránh phiền hà không cần thiết cho người dân. Giải quyết thủ tục hành chính phải làm sao để cho nhân dân ngày một hài lòng, chớ có dồn khó cho dân!
Ý kiến ()