
Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030 đã nêu rõ Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Phát huy những kết quả đạt được, triển khai hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, nhiệm kỳ 2025-2030, Quảng Ninh đặt mục tiêu tổng quát lấy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là động lực chính cho phát triển. Mục tiêu này đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá tích cực và kỳ vọng từ người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể hóa mục tiêu tổng quát, dự thảo báo cáo chính trị đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm là duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao, ổn định trong dài hạn; lấy đột phá về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là động lực chính cho phát triển và tạo bứt phá mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng thích ứng, chống chịu và sức cạnh tranh của kinh tế địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xây dựng xã hội số. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ cơ cấu lại công nghiệp theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mới nổi, công nghiệp chế biến, chế tạo xanh, sạch, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Tỉnh sẽ phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, hình thành cụm kinh tế biển đa ngành; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại; quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Trên cơ sở đó, theo dự thảo báo cáo chính trị, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một trong các khâu đột phá là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh, kinh tế số gắn với tăng nhanh quy mô; hoàn thiện đồng bộ hạ tầng công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế số, du lịch biển, kinh tế biển, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.

Đánh giá về mục tiêu này, anh Đặng Văn Toàn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH T&Y Group, cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt, cụ thể, đồng bộ trong việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xác định là một trong “Bộ tứ trụ cột” để giúp đất nước cất cánh trong thời gian tới. Do đó, chúng tôi rất đồng tình, nhất trí cao với mục tiêu lấy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là động lực chính cho phát triển trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030. Chúng tôi cũng kỳ vọng rằng, tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể, trọng tâm, đột phá để hiện thực hoá mục tiêu này.
Việc phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cùng sức cạnh tranh lớn về kinh tế là một trong những giải pháp tỉnh đưa ra trong dự thảo Báo cáo chính trị. Trong đó, tập trung phát triển công nghiệp xanh, chuyển đổi xanh, ưu tiên các ngành có tính nền tảng, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn, duy trì phát triển các nguồn điện hiện có trên địa bàn tỉnh, không mở rộng các nhà máy nhiệt điện than, có lộ trình và thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, LNG…; phát triển du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng khẳng định vai trò chủ đạo, trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế theo hướng “giảm lượng, tăng chất”; hỗ trợ tăng sức mua, kích thích tiêu dùng, xuất nhập khẩu, dịch vụ vận tải đa phương thức, logistics. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng xanh, sinh thái, tuần hoàn, theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững, giàu bản sắc văn hóa; phát triển kinh tế biển bền vững đa mục tiêu.

Đặc biệt, tỉnh sẽ quyết liệt thực hiện đột phá về ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tạo bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý, điều hành và trong các ngành, lĩnh vực; tạo đột phá trong phát triển hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số đồng bộ, hiện đại; xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất, đảm bảo tính kết nối, chia sẻ, đồng bộ, liên thông, tổng thể.
Theo dự thảo Báo cáo chính trị, tỉnh cũng sẽ nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân lực chất lượng cao đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, ứng dụng, phát triển và chuyển giao các công nghệ tiên tiến như công nghiệp bán dẫn, chip điện tử, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học…; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ mới, công nghệ cao; bố trí ngân sách hằng năm thỏa đáng cho ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP chiếm 30%; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện.
Đóng góp thêm vào dự thảo Báo cáo chính trị, anh Vũ Đình Phan, Giám đốc Công ty TNHH Phahoko, chia sẻ: Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là con đường tất yếu để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và chất lượng phục vụ người dân. Do đó, theo tôi, dự thảo báo cáo chính trị cần nhấn mạnh rõ hơn vai trò của kinh tế tư nhân trong lĩnh vực này. Từ đó, có các giải pháp cụ thể, chính sách hỗ trợ, động lực thúc đẩy kinh tế phát huy vai trò, tham gia đầu tư, đóng góp tích cực cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần một hệ sinh thái thuận lợi, đồng bộ, minh bạch để chủ động ứng dụng các giải pháp công nghệ, khoa học. Đây sẽ là đòn bẩy để hình thành các mô hình sản xuất xanh hơn, thông minh hơn, bền vững hơn.
Những góp ý thiết thực, xuất phát từ thực tiễn sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025-2030. Việc khẳng định lấy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là động lực chính cho phát triển không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mà còn thể hiện khát vọng xây dựng Quảng Ninh hiện đại, xanh và thông minh trong tương lai.
Ý kiến ()