
Xây dựng chính quyền 2 cấp gần dân, vì dân
Sau khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025, các địa phương của tỉnh đã có bước chuyển mạnh mẽ trong công tác dân vận. Chính quyền địa phương 2 cấp tạo cơ hội để chính quyền gần dân hơn, từ đó nâng cao hiệu quả phục vụ và xây dựng lòng tin trong nhân dân.
Ngay trong ngày đầu thực hiện mô hình mới, bộ máy chính quyền cơ sở đã thể hiện rõ tinh thần chuyên nghiệp, trách nhiệm và chủ động. Các cán bộ, công chức tại 54 xã, phường, đặc khu của tỉnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, triển khai công việc thông suốt, không để gián đoạn trong phục vụ nhân dân. Người dân đến làm TTHC được đón tiếp tận tình, giải quyết nhanh chóng là minh chứng rõ rệt cho sự đổi mới trong cách tiếp cận và thực thi công vụ của chính quyền cơ sở. Đây chính là nền tảng quan trọng trong công tác dân vận khi chính quyền làm tốt vai trò phục vụ thì người dân sẽ tin tưởng và đồng hành.
Một điểm nhấn trong đổi mới công tác dân vận là việc tỉnh gắn công tác này với chuyển đổi số. Tại nhiều xã, phường, các tổ công tác hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, khai thác dữ liệu số, làm sạch dữ liệu dân cư... đã trở thành lực lượng nòng cốt trong tiếp cận người dân bằng phương thức mới. Việc triển khai "ví điện tử hành chính", cho phép người dân lưu trữ và tái sử dụng thông tin cá nhân trong các thủ tục khác nhau, không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao sự minh bạch, giảm phiền hà.
Bà Nguyễn Thị Thanh (tổ 3, khu 4, phường Hồng Gai) bày tỏ: “Tôi làm thủ tục về đất đai, phường giải quyết trực tiếp, không để người dân phải đi lại nhiều khâu, nhiều bước. Dân vận bây giờ không phải chỉ nói cho dân nghe, mà là cùng dân làm, giải quyết việc của dân ngay tại chỗ. Chính quyền gần dân như thế, chúng tôi rất tin tưởng và sẵn sàng phối hợp, đồng hành trong mọi chủ trương”.
Cùng với đó, việc phân cấp, phân quyền rõ ràng giúp các xã, phường, đặc khu chủ động hơn trong xử lý công việc. Các buổi đối thoại định kỳ giữa chính quyền và người dân, nhất là tại các địa bàn mới sáp nhập, đã trở thành kênh dân vận hữu hiệu để nắm bắt tâm tư, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Khi cấp huyện không còn vận hành, chính quyền cấp xã, phường trở thành đầu mối trực tiếp tiếp xúc và giải quyết các vấn đề của người dân. Điều này đòi hỏi công tác dân vận không thể đi theo lối mòn tuyên truyền, vận động một chiều, mà phải đổi mới toàn diện về tư duy, phương pháp và hành động.
Trên cơ sở đó, cán bộ dân vận đã chủ động xuống cơ sở, nắm bắt tâm tư, phản ánh kịp thời nguyện vọng của người dân, giải thích chính sách, hướng dẫn thủ tục, đồng thời tham mưu để chính quyền xử lý linh hoạt những vấn đề nảy sinh trong quá trình chuyển đổi mô hình hành chính. Nhờ sự đổi mới đó, nhận thức của người dân cũng có sự chuyển biến rõ rệt, từ chỗ chỉ thụ hưởng chính sách, họ đã trở thành chủ thể đồng hành với chính quyền trong xây dựng đời sống mới ở địa phương. Nhiều người dân không chỉ tham gia góp ý xây dựng chính sách, mà còn trực tiếp cùng cán bộ thực hiện các chương trình phát triển, giám sát việc triển khai, phản ánh tiêu cực nếu có. Đặc biệt, lực lượng làm công tác dân vận đã kết hợp chặt chẽ với cán bộ, hội viên MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội để mở rộng phương thức tiếp cận, đưa công nghệ số, dịch vụ công trực tuyến đến tận từng hộ dân, vừa làm dân vận, vừa làm chuyển đổi số, phục vụ dân thiết thực.
Sự thay đổi trong cách làm dân vận gần dân hơn, thực chất hơn, hiện đại hơn đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lòng dân. Người dân coi chính quyền là lực lượng đồng hành, gần gũi, đáng tin cậy. Đây chính là thành công lớn nhất trong công tác dân vận ở cơ sở khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Thành công không chỉ nằm ở cơ cấu tổ chức, mà ở chính sự thay đổi từ trong tư tưởng, hành động và niềm tin giữa chính quyền và nhân dân.
Ý kiến ()