
Độ ẩm cao có gây ảnh hưởng đến người mắc bệnh tim không
Độ ẩm cao trong mùa gió mùa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch, đặc biệt với người già, người mắc bệnh tim và huyết áp cao.
Mùa gió mùa không chỉ mang lại không khí mát mẻ mà còn đi kèm với độ ẩm cao, yếu tố tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro với sức khỏe tim mạch. Theo các chuyên gia y tế, độ ẩm cao có thể gây ra biến động huyết áp, làm tăng nguy cơ đột quỵ, giữ nước trong cơ thể và ảnh hưởng tới thói quen ăn uống, tất cả đều là những yếu tố bất lợi cho trái tim, đặc biệt ở những người có bệnh nền.
Độ ẩm gây áp lực lên tim như thế nào?
“Khi không khí ẩm ướt, cơ thể khó thoát nhiệt vì mồ hôi không bay hơi được. Tim phải bơm máu nhiều hơn tới da để điều hòa nhiệt độ, tạo gánh nặng cho hệ tuần hoàn", Tiến sĩ Sandeep Reddy Koppula, chuyên gia nội khoa tại Ấn Độ, phân tích trên Health Shots.
Không những vậy, cơ thể có xu hướng mất nước mà không cảm thấy khát, khiến máu đặc lại và lưu thông chậm hơn. “Điều này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, rất nguy hiểm đối với người có nhịp tim không đều hay hẹp động mạch", ông Koppula nhấn mạnh.
Biến động huyết áp và nguy cơ đột quỵ
Độ ẩm cao còn có thể khiến mạch máu giãn ra, gây tụt huyết áp, đặc biệt ở người đang dùng thuốc điều trị. Ngược lại, bước vào phòng điều hòa sau khi ở ngoài trời ẩm ướt dễ khiến mạch máu co lại đột ngột, dẫn tới huyết áp tăng vọt. Những biến động liên tục này khiến tim bị quá tải, nhất là ở người cao tuổi hoặc có bệnh lý tim mạch từ trước.
Theo báo cáo của StatPearls, sự dao động nhiệt độ và độ ẩm là một yếu tố quan trọng làm tăng tỷ lệ đột quỵ trong mùa gió mùa.
Giữ nước và chế độ ăn uống, hai yếu tố bị ảnh hưởng
Độ ẩm còn làm trầm trọng thêm tình trạng giữ nước, đặc biệt ở người bị suy tim. “Sưng chân, khó thở hoặc tăng cân đột ngột vài kg trong vài ngày là dấu hiệu của tình trạng này", Tiến sĩ Koppula cảnh báo.
Ngoài ra, trong mùa mưa, nhiều người có xu hướng ăn các món chiên rán, mặn và tiện lợi. Lượng natri cao có thể khiến cơ thể tích nước, làm tăng huyết áp. Theo The Nutrition Source của Đại học Harvard, thậm chí việc tăng nhẹ lượng muối trong khẩu phần cũng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tim.
Làm thế nào để bảo vệ trái tim trong mùa gió mùa?
Các chuyên gia đưa ra một số khuyến cáo để kiểm soát rủi ro:
Theo dõi huyết áp thường xuyên: Đặc biệt với người có tiền sử bệnh tim.
Cân nặng mỗi ngày: Tăng cân đột ngột có thể là dấu hiệu ứ nước.
Uống đủ nước: Dù trời không nóng, cơ thể vẫn cần được cung cấp nước đều đặn.
Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột: Di chuyển giữa môi trường nóng, lạnh đột ngột có thể gây sốc cho hệ tim mạch.
Hạn chế ăn mặn: Duy trì chế độ ăn ít muối, giàu rau xanh, thực phẩm nguyên chất.
Tham khảo bác sĩ trước khi điều chỉnh thuốc: Tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều.
Luôn cảnh giác trong mùa mưa
Sự thay đổi khí hậu, nhất là trong mùa gió mùa, đòi hỏi người có bệnh tim phải lắng nghe cơ thể mình và giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu như mệt mỏi, khó thở, sưng phù… có thể giúp ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.
Tiến sĩ Koppula nhấn mạnh: “Mùa mưa không chỉ là vấn đề thời tiết, nó ảnh hưởng trực tiếp đến trái tim bạn. Hãy luôn theo dõi các dấu hiệu và ưu tiên chăm sóc sức khỏe tim mạch mỗi ngày".
Ý kiến ()