
Di dân phòng tránh thiên tai
Từ sau trận “đại hồng thủy” năm 2015, công tác di dân để phòng tránh thiên tai được tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện rất quyết liệt. Từ việc khảo sát, lập đề án tổng thể toàn tỉnh, rà soát cụ thể triển khai xuống từng địa bàn, từng điểm “nóng” về nguy cơ sạt lở.
Tính đến nay 558 hộ dân sinh sống ở những điểm có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở nguy hiểm trên toàn tỉnh đã được lên phương án di dời, trong đó 472 hộ đã được thực hiện di dời, còn 86 hộ ở Cẩm Phả và Tiên Yên cũng sẽ thực hiện di dời trong năm 2018.
Như vậy so với mục tiêu đặt ra tại Đề án di dân tổng thể khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh việc thực hiện đã về đích sớm trước 2 năm. Không chỉ các địa phương có điều kiện về nguồn lực chủ động thực hiện việc di dân mà một số địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn như Ba Chẽ, Bình Liêu đã rất tích cực triển khai, tự cân đối nguồn ngân sách địa phương và lồng ghép với các nguồn vốn, chương trình khác của tỉnh (Chương trình 135; Chương trình bố trí, sắp xếp dân cư,...) nhằm hỗ trợ di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm, đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.
Đây là nỗ lực, cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho người dân vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm. Đặc biệt, trong điều kiện tỉnh Quảng Ninh đang được đánh giá là địa phương chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, liên tiếp phải chịu các hình thái thời tiết cực đoan, trong đó có mưa lớn kéo dài, gió, bão...
Thiên tai là yếu tố bất khả kháng, chủ động ứng phó để phòng tránh kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại là việc mà mỗi người dân, cấp chính quyền cần chủ động. Quảng Ninh với đặc thù địa lý của tỉnh miền núi, ven biển, địa hình phức tạp nên chịu nhiều tác động của sự biến đổi từ khí hậu, đến địa chất. Bài học đau xót từ những vụ sạt lở đất đá, ngập lụt vùi lấp cả khu dân cư, cả hộ gia đình đã từng xảy ra chính vì vậy di dời dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm là một yêu cầu cấp bách, nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nhất là trong mùa mưa bão.
Cùng với việc quyết liệt triển khai các dự án để di dời người dân khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm, các địa phương cần tăng cường tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách pháp luật của nhà nước trong việc thực hiện Đề án di dân một cách sâu rộng, cụ thể đến từng hộ dân, để các hộ dân nhận thức được tầm quan trọng của Đề án, hiểu việc di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm là để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của chính họ, vận động để người dân sau khi di dời không tái lấn chiếm khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nguy hiểm, cũng như ngăn ngừa các hành vi trục lợi.
Ngày 17/7 khi trò chuyện với các hộ dân thuộc diện di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nguy hiểm tại xóm Cầu Gỗ, thôn Khe Sím, xã Dương Huy (TP Cẩm Phả), đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, các cấp chính quyền sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho người dân để di dời đến nơi ở mới, thì người dân cần thay đổi nhận thức, phối hợp với chính quyền di dời theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn cho chính mình, nhất là trước mùa mưa bão.
Ngọc Lan
Ý kiến ()