
Đem lại sức khoẻ, niềm vui cho người già
Người già thường mắc nhiều bệnh, trong đó đáng chú ý nhất là các bệnh về tim mạch, các bệnh ảnh hưởng tới vận động phải phục hồi chức năng. Đây là các bệnh lý khá phổ biến, thế nhưng ngày càng có nhiều bệnh nhân được điều trị, đem lại hi vọng phục hồi sức khỏe, niềm vui sống tuổi già.
Thắp lên niềm lạc quan, hy vọng
Theo các chuyên gia, sức khỏe người già suy giảm theo độ tuổi. Tuổi càng cao sức khỏe càng yếu do cơ chế thoái hóa tự nhiên. Do đó, người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh lý mạn tính. Trong đó, có nhiều bệnh nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, niềm vui sống của họ, như: Tim mạch, bệnh phải phục hồi chức năng. Vì thế, điều trị chuyên khoa ở bệnh viện là một giải pháp được nhiều người quan tâm.

Tại Bệnh Viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh, các bác sĩ vừa làm nhiệm vụ thầy thuốc vừa là chuyên gia tâm lý, sứ giả đem lại hi vọng về sức khoẻ, niềm vui cho người già. Tới khoa Hồi sức tích cực, chúng tôi gặp anh Ngô Thanh Cường đang chăm sóc bà Ngô Thị Đang (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) bị bệnh tim nặng.
Anh kể: Mẹ tôi được đánh giá là suy tim rung nhĩ. Bản thân bà cũng bi quan và coi là gánh nặng chăm sóc với con cháu. Trước đó, bệnh mẹ tôi rất nặng, bà nằm liệt, mất ý thức, không nhận thức được nhưng sau một thời gian, nhờ bác sĩ khám chữa bệnh tận tình, kê thuốc điều trị, mẹ tôi đã có chuyển biến tích cực. Hiện bà đã nhận thức được, hỏi gì biết đấy, tay chân hoạt động được, dựa được... Bệnh tình thuyên giảm, gia đình và mẹ tôi đều rất vui và cũng cảm thấy lạc quan hơn, tích cực phối hợp điều trị hơn với bác sĩ.
Tương tự là trường hợp ông Nguyễn Văn Tài (Cẩm Phú, Cẩm Phả) nhập viện từ ngày 5/2 vì nhiều dấu hiệu tim mạch do loại thuốc hạ huyết áp ông Tài dùng... Nhờ phát hiện kịp thời, bác sĩ đã thay đổi loại thuốc của bệnh nhân, đồng thời tiếp nước để bệnh nhân nhanh hồi phục, đi lại thuận lợi và đặc biệt ổn định huyết áp. Sau nửa tháng điều trị, cùng với các bệnh lý phụ khác như huyết áp, tiểu đường… ổn định, ông Tài vui hơn và cũng an tâm điều trị bệnh tim.
Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm ca mà đứng đằng sau thành công, niềm vui của bệnh nhân là đóng góp âm thầm của các y bác sĩ Bệnh Viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh. Không chỉ có các căn bệnh về huyết áp, tim, người già còn gặp các vấn đề lớn về vận động, phải phục hồi chức năng sau điều trị.

Theo chia sẻ chuyên môn thì người già mắc các bệnh ảnh hưởng tới vận động, đi lại, phải ngồi một chỗ cũng khiến rất nhiều bệnh nhân buồn chán, bi quan, bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Đây là tình trạng của bệnh nhân Nguyễn Văn Nhắn đã ngoài 60 tuổi (xã Tiền An, TX Quảng Yên) được bác sĩ trẻ Nguyễn Việt Hà (Khoa Hoạt động trị liệu) điều trị.
Trước đây, ông vốn là người khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, có thể làm được nhiều việc gia đình, vườn tược. Sau khi có triệu chứng, đi khám bác sĩ phát hiện ông bị thoát vị đĩa đệm, thoái hoá đốt sống lồng ngực… Ông kể: Có thời điểm tôi không thể đi được, không đứng được, cảm thấy bất lực. Cơ thể như thiếu đi đôi chân, đối với người hay vận động, làm việc quả thật là chán chường.
Sau khi nhập viện cuối năm 2024, được bác sĩ Hà và các bác sĩ, y tá Khoa Hoạt động trị liệu quan tâm, tích cực điều trị trong 5 đợt, sức khoẻ của ông đã khá lên. Ông Nhắn nay đã có thể bám để đi lại, chủ động được vận động khiến ông yên tâm về triển vọng điều trị. Ông phấn khởi chia sẻ: Tôi đã từng rất bi quan về bệnh tình. Sau phát hiện, phẫu thuật điều trị theo phác đồ điều trị tại đây, tôi rất vui khi sức khoẻ dần tiến triển tốt, có thể sắp quay lại với cuộc sống thường ngày…

Chia sẻ với chúng tôi về điều trị cho người cao tuổi, bác sĩ CKII Phạm Quang Dũng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh, cho biết: Bệnh tim, huyết áp và phục hồi chức năng… nằm trong số nhiều bệnh phổ biến mà người già phải đối mặt và có xu hướng ngày càng gia tăng. Ngoài máy móc thiết bị, việc được các bác sĩ giỏi, tận tâm điều trị đã đem lại hy vọng hồi phục cao. Điều quan trọng nhất với chúng tôi là đem lại sức khoẻ, sự lạc quan và niềm vui sống tuổi già cho người bệnh điều trị tại viện.
Gian nan, vất vả sau những thành công
Sự bình phục, niềm vui của bệnh nhân là thành quả, vừa là món quà cho người thân, gia đình và cho chính bác sĩ điều trị. Thế nhưng, việc điều trị cho các bệnh nhân đặc biệt này cũng không ít gian nan, khó khăn. Thậm chí bác sĩ có khi phải đóng nhiều vai, ở nhiều vị trí khác nhau. Theo bác sĩ Hà, việc điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn Nhắn tới nay có nhiều tiến triển cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Bởi đây là ca bệnh hiếm gặp do có u dây chằng vàng ở khu vực cột sống vùng ngực, ảnh hưởng tới vận động. Do chưa từng gặp phải nên bác sĩ phải hội chẩn với các chuyên gia cũng như sự hỗ trợ đắc lực, kinh nghiệm của các đồng nghiệp.
Trong thời gian hơn 5 năm công tác, bác sĩ Hà cũng đã gặp và điều trị với không ít các ca khó như vậy. Điển hình là phục hồi chức năng cho bệnh nhân nam sau phẫu thuật can xương (ở Đông Mai, Quảng Yên) cũng rất hiếm gặp.

Không chỉ vậy, ngoài chữa trị, theo bác sĩ Hà, một phẩm chất của bác sĩ phục hồi chức năng cần có là kiên trì, hoà đồng, thấu hiểu người bệnh. Bởi các bệnh nhân già, ngoài những thay đổi về sức khoẻ, tâm trạng cũng phải được tìm hiểu kỹ, nhiều khi thường cảm thấy mệt mỏi, sinh ra khó tính, cáu gắt khi thường xuyên phải điều trị… Bởi thế, khi điều trị phục hồi chức năng, ngoài chuyên môn, bác sĩ khi đó vừa là thầy thuốc vừa đóng vai chuyên gia tâm lý, vừa là người bạn chia sẻ tâm tư… để thuyết phục bệnh nhân.
Điều trị tim mạch cho người cao tuổi cũng là một thách thức vô cùng lớn đối với các bác sĩ tại đây. Bác sĩ Nội trú CKI An Thị Hồng Phượng (Khoa khám bệnh cấp cứu) cho hay, nhiều người già hay mắc bệnh liên quan tới tim mạch. Theo số liệu thống kê thì trong khoảng hơn 9.300 bệnh nhân là người già đến viện năm 2024 thì có tới 60-70% đến khám nhập viện có bệnh lý liên quan tới tim mạch, tăng huyết áp… Đặc thù người già bệnh tim mạch thường kèm theo nhiều bệnh lý nền phối hợp như chuyển hoá sơ vữa mạch, suy giáp, suy tuyến thượng thận...
Trong khi đó, nhiều cụ lại lạm dụng thuốc giảm đau kéo dài, chức năng gan thận kém... Vì thế khi dùng thuốc, bác sĩ phải cân nhắc kỹ về tác dụng của thuốc lẫn ảnh hưởng của tác dụng phụ tới dạ dày, gan thận. Bởi thuốc tim mạch rất khác biệt, có nhiều chống chỉ định và sự tương tác với nhiều loại thuốc khác. Đặc biệt bệnh nhân là người già, tuổi cao, sức yếu có bệnh lý tim mạch nặng như suy tim, thiếu máu cục bộ cơ tim… cần tư vấn chế độ nghỉ ngơi, hoạt động, sinh hoạt hợp lý kết hợp chế độ dinh dưỡng, duy trì thói quen uống nước…

Được biết, để nâng cao hiệu quả điều trị cho người cao tuổi, hiện ngoài máy móc thiết bị, ứng dụng KHCN, chuyển đổi số…, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh rất quan tâm cho bác sĩ đi đào tạo, nâng cao tay nghề tuyến trên ở các bệnh viện như: Lão khoa trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, 108… Các kiến thức, kỹ thuật này sau đó được đưa về triển khai ứng dụng, cải tiến phương pháp điều trị, cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất, phát huy giá trị các máy móc, thiết bị tiên tiến đã và đang được trang bị.
Không chỉ vậy, Bệnh viện còn có chính sách thu hút nhân tài qua việc thu hút được gần 20 bác sĩ trình độ sau Đại học, trong đó có 3 bác sĩ nội trú, 2 thạc sĩ, đặc biệt có các bác sĩ nội trú, thạc sĩ đào tạo ở nước ngoài trong vòng 3 năm qua… Tất cả nhằm phục vụ tốt nhất cho nhân dân, người bệnh.
Ý kiến ()