
Làu Nhục Sáng - Bác sĩ của bản làng Quảng Lâm
Xã Quảng Lâm vốn thuộc diện khó khăn nhất của huyện Đầm Hà, 96% dân số là đồng bào DTTS với trình độ dân trí và mức thu nhập còn thấp so với mặt bằng chung toàn huyện. Do cơ sở hạ tầng hạn chế, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh và các chương trình y tế cộng đồng. Thế nhưng ở nơi ấy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã - bác sĩ Làu Nhục Sáng đã trở nên thân thuộc với đồng bào. Không chỉ là người tiên phong trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, anh còn là tấm gương về tinh thần cống hiến và tận tâm.

Tôi gặp bác sĩ Làu Nhục Sáng trong chuyến công tác đầu năm tại Đầm Hà. Anh xuống Trung tâm Y tế huyện để lĩnh thêm một số thuốc men, sinh phẩm y tế cho Trạm Y tế xã Quảng Lâm. “Thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc tẩy giun, thiết bị cầm máu là những loại phổ biến nhất để sơ cứu ban đầu cho bà con…” - bác sĩ Sáng vừa nói, vừa hối hả gói ghém đồ đạc để nhanh chóng quay trở lại với công việc tại trạm y tế xã. Anh bảo: “Nay mình còn có hẹn khám cho bà con ở bản Tài Lý Sáy, cách trạm gần 15 cây số đường rừng…”. Cứ như vậy, công việc của bác sĩ Làu Nhục Sáng trôi qua hối hả mỗi ngày với những ca bệnh liên miên cùng câu chuyện về cách phòng tránh bệnh tật cho bà con vùng cao...
Sinh ra trong gia đình dân tộc thiểu số người Sán Dìu, do sức khỏe yếu, tuổi thơ của bác sĩ Sáng là những tháng ngày đằng đẵng ở viện nhiều hơn ở nhà. Thấu hiểu những khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế của người dân vùng sâu, vùng xa cùng với tinh thần quyết tâm, anh đã vượt qua mọi khó khăn, cách trở, hoàn thành việc học trung cấp y tại TP Hạ Long và lớp chuyên tu tại Trường Đại học Y Hải Phòng. Sau khi hoàn thành học tập và đào tạo chuyên môn, bác sĩ Sáng nhanh chóng trở về địa phương, mang những kiến thức quý báu đã được học về phục vụ nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở bản mình.

“Trạm Y tế thời điểm tôi về công tác từng là ngôi nhà cũ, không giường bệnh, tủ thuốc. Trang thiết bị chỉ vài chiếc xi-lanh, panh, kéo; còn thuốc thì hàng tháng đều đặn, chúng tôi phải cuốc bộ gần 20km đường đất ra Trung tâm Y tế huyện, vừa giao ban, lĩnh thuốc rồi tự "cõng" về phục vụ khám, chữa bệnh, cấp phát cho bà con. Đường sá đi lại khi ấy gặp nhiều khó khăn, Trạm chỉ có 4 người, phương tiện vào bản chủ yếu là đi bộ. Xã có những bản cách xa trung tâm xã khoảng 20km, đi bộ phải mất khoảng gần 4 tiếng mới đến, nhiều lúc nhân viên y tế của trạm phải vượt đèo lội suối rất vất vả, nguy hiểm. Có nhiều trường hợp cấp bách phải chạy bộ đi vào bản cấp cứu, đỡ đẻ tại nhà dân, thời gian chủ yếu vào ban đêm, có hôm xong việc đến sáng hôm sau tôi mới quay về trạm” - bác sĩ Sáng nhớ lại.
Cho tới giờ, anh cũng vẫn nhớ như in ca đỡ đẻ đầu tiên khi anh mới về đây, chứng kiến giọt nước mắt hạnh phúc của sản phụ và tiếng khóc đầu đời của một em bé người Dao sinh non; rồi những đêm cùng đồng nghiệp vượt quãng đường bão gió đến cấp cứu cho bệnh nhân sốt xuất huyết rừng… Sự vất vả ấy là những đóng góp nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thụ hưởng dịch vụ y tế của đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó của huyện Đầm Hà nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Thấm thoắt đã gần 10 năm bác sĩ Làu Nhục Sáng gắn bó với Trạm Y tế xã Quảng Lâm. Địa bàn Quảng Lâm rộng, đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác ở 8 thôn, bản nhưng các y bác sĩ của trạm kết hợp với các đồng chí y tế thôn luôn bám sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Những ngày rảnh rỗi không có bệnh nhân tới khám tại Trạm, bác sĩ Sáng cùng các đồng nghiệp tới tận nhà để khám cho những trường hợp nặng không thể di chuyển, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách phòng, chống các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và vệ sinh nhà cửa.
Cho tới nay, anh đã cùng những đồng nghiệp của mình vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những trường hợp khó, vượt quá khả năng chuyên môn của trạm, anh sẽ cho chuyển tuyến kịp thời, không để xảy ra sai sót, sự cố y khoa. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã Quảng Lâm được đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng, từ đó các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe của người dân cũng ngày càng được nâng lên. Dù vậy, bác sĩ Sáng vẫn còn nhiều mong muốn, như Trạm có thêm thiết bị siêu âm, chụp cắt lớp để người dân đỡ phải đi lại xa xôi. Anh cũng chia sẻ về kế hoạch tham gia các khóa đào tạo lấy chứng chỉ ngắn hạn “để có thể khám chữa thật nhiều bệnh cho bà con, nhiều người nghèo lắm, họ còn chưa bao giờ được khám ở bệnh viện lớn…”.

Ý kiến ()