Để “ngôi sao mới nổi” tiếp tục tỏa sáng
Từ Geneve với việc Việt Nam gia nhập WTO, đến Hà Nội của APEC 2006 mà sự có mặt của nhiều vị nguyên thủ quốc gia và của các nền kinh tế lớn tại thủ đô của "ngôi sao mới nổi trên bầu trời thương mại thế giới", rồi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, phát biểu của Thủ tướng Việt Nam được lắng nghe, có sức thuyết phục và sự đánh giá cao. Chỉ trong một quãng thời gian rất ngắn mà chặng đường đi được lại rất dài.
Và rồi, tầm vóc của đất nước trong ánh mắt của bè bạn cũng như của mọi góc nhìn đã khác trước rất nhiều. Mà khác, là do thế và lực của Việt Nam đã tăng lên. Quả đúng như lời bình khá sắc sảo của tờ Le Figaro: "trái ngọt của 20 năm miệt mài chuẩn bị, 20 năm Hà Nội nỗ lực cải cách và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, 20 năm Đổi mới". Với việc gia nhập WTO, đất nước ta đã được đặt vào trong một quỹ đạo mới của phát triển với những sức hút và lực đẩy mới chưa từng có. Những đột phá của hoạt động đối ngoại đưa tiến trình hội nhập để phát triển đi vào chiều sâu, đòi hỏi và thúc đẩy các hoạt động đối nội, như những tương tác truyền lực trong một cỗ máy đang hoạt động tăng tốc, đẩy tới sự tăng trưởng kinh tế đi liền với tiến trình dân chủ hóa xã hội.
Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII diễn ra.
Đây là một sinh hoạt chính trị có ý nghĩa lớn về mặt đối nội cũng như mặt đối ngoại. Cũng có thể nói, đây chính là một cuộc sát hạch về chất lượng của tiến trình dân chủ hóa xã hội đang có nhiều khởi sắc. Chất lượng dân chủ của cuộc bầu cử lần này sẽ làm tăng thêm lòng tin của dân vào Nghị quyết của Đại hội X "cần xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân". Muốn thế, nội dung của nghị quyết cần được thể hiện sinh động và trực tiếp trong công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử, mà tập trung nhất là các vòng "hiệp thương" để giới thiệu người vào danh sách bầu cử, sự khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho người tự ứng cử.
Cho đến 17 giờ ngày 8.3.2007, riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có 89 người tự ứng cử, trong đó có 13 nữ, 40 doanh nhân, 41 người dưới 40 tuổi, 6 người trên 60 tuổi. Còn một tuần nữa là hết hạn nhận hồ sơ tự ứng cử, số người tự nguyện đứng ra gánh vác trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân chắc sẽ còn tăng thêm nữa. Chính điều này đòi hỏi quy trình và nội dung của các vòng "hiệp thương" phải đổi mới tương thích với tình hình mới. "Hiệp thương" là nhằm lựa chọn ứng cử viên, chứ không phải hiệp thương để "cơ cấu". Cần hiểu rằng, quyền quyết định của cử tri là đồng nghĩa với quyền quyết định của toàn dân theo đúng tư tưởng "quyền hành và lực lượng đều nơi dân". Chỉ xin gợi ra một điều: đến ngày 15.3.2007 mới hết hạn tự ứng cử, mà ngay bây giờ các địa phương đã "tiến hành thực hiện bước 2 của quá trình hiệp thương: lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH của các tổ chức tại địa phương" thì chỗ dành cho người tự ứng cử là quá hẹp.
Phải chăng đây là một vấn đề cần có sự chỉ đạo kịp thời. Tính dân chủ của cuộc bầu cử Quốc hội kỳ này sẽ là một thông điệp quan trọng của đất nước ta gửi đến thế giới. Thông điệp ấy càng có sức vẫy gọi thế giới hướng về Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư tìm đến một đất nước đang có "những cải cách đột phá về tự do kinh tế và mở cửa với thế giới" được đẩy tới bằng tiến trình dân chủ hóa xã hội.
Những việc ấy đang nằm trong tầm tay. Chỉ cần có quyết tâm và sự chuyển động mạnh mẽ của những người đang cầm chịch cho sự kiện chính trị quan trọng của đất nước trong một thời điểm nhạy cảm của vận nước đang đến. Chất lượng dân chủ của cuộc bầu cử Quốc hội kỳ này sẽ làm cho "ngôi sao mới nổi" tỏa được ánh sáng rực rỡ, thu hút được sự chú ý và niềm tin của bè bạn đang chăm chú dõi theo quỹ đạo bay của ngôi sao.
Ý kiến ()