Đẩy nhanh tiến độ thay thế phao xốp trong nuôi trồng thủy sản
Vùng biển Quảng Ninh có nhiều lợi thế, thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Vì vậy nhiều năm qua diện tích nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là nuôi biển) liên tục tăng trên địa bàn các địa phương có biển của tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 5.500ha mặt nước được sử dụng để nuôi trồng thủy sản, phân bổ ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Trong số đó bao gồm khoảng 4.000ha nuôi nhuyễn thể và khoảng 1.500ha nuôi cá biển.
Điều đáng nói là số diện tích nuôi trồng thủy sản nói trên hầu như đều sử dụng phao xốp để làm vật liệu nổi, do loại vật liệu này có giá rẻ, dễ đầu tư. Trong khi phao xốp là loại vật liệu không thân thiện với môi trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ô nhiễm môi trường. Do tuổi thọ của phao xốp ngắn, chỉ có thể bền vững trong khoảng thời gian 2 năm đầu, sau đó phao xốp bị phân hủy, vỡ nát, tan rã thành từng mảng miếng, thậm chí thành những hạt nhỏ trôi nổi trên mặt biển. Khi bị sóng đánh trôi dạt vào bờ thì trở thành rác vô cơ, khó phân hủy, gây mất mỹ quan. Còn khi trôi nổi trên biển sẽ trở thành cạm bẫy thức ăn, giết chết các loại sinh vật biển nếu ăn phải...
Ý thức được sự nguy hiểm, chứa đựng nhiều rủi ro gây ô nhiễm môi trường của phao xốp, nên từ cuối năm 2020, Quảng Ninh đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản để thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE có tuổi thọ lâu hơn và thân thiện với môi trường. Thấy được sự cần thiết phải thay thế phao xốp bằng phao nhựa HDPE, trước đó và ngay sau khi tỉnh ban hành Quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản đã có một số hộ và đơn vị tiên phong chuyển đổi sang phao nhựa. Những cá nhân, đơn vị đi tiên phong chuyển đổi cho biết, mặc dù suất đầu tư ban đầu đối với phao nhựa cao, nhưng bù lại cho hiệu quả tốt hơn, đối với cả trước mắt và lâu dài. Đặc biệt là đảm bảo cho môi trường nuôi được trong lành, không gây hại đến môi trường sống và các loài sinh vật biển.
Điều đáng mừng là từ năm 2021 đến nay, đặc biệt là trong 3 tháng đầu năm 2022, số lượng hộ dân và doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản thực hiện chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa HDPE đã có sự chuyển biến tích cực. Theo con số thống kê của ngành chức năng, tính đến hết tháng 3/2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 38.000 quả phao xốp, chiếm khoảng 12% tổng số phao xốp cần chuyển đổi sang phao nhựa HDPE.
Tuy nhiên, với mục tiêu đến hết năm 2022, toàn vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh không còn tồn tại phao xốp, thay vào đó là các vật liệu nổi đạt chuẩn HDPE, đảm bảo bền vững và thân thiện với môi trường, thì tỷ lệ chuyển đổi nói trên còn quá thấp. Trong đó, bên cạnh những địa phương đạt tỷ lệ chuyển đổi cao như Hạ Long, Đầm Hà, Quảng Yên, thì vẫn còn những địa phương đạt tỷ lệ chuyển đổi thấp như Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, đạt dưới 50% so với yêu cầu chuyển đổi, trong đó huyện Vân Đồn, nơi chiếm tới 90% số phao xốp toàn tỉnh cũng mới chuyển đổi được khoảng 9%. Đặc biệt, vẫn còn địa phương tính đến thời điểm này chưa thực hiện chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa...
Theo kế hoạch, mục tiêu từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh cần phải chuyển đổi xong 2,7 triệu quả phao xốp còn lại sang phao nhựa, trong đó có tới 2,5 triệu quả nằm ở huyện Vân Đồn. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản, nhất là với huyện Vân Đồn, nơi có số lượng lớn phao xốp cần chuyển đổi. Trong khi đó, khó khăn trong việc chuyển đổi này nằm ở vấn đề vốn đầu tư ban đầu của người nuôi trồng thuỷ sản, khi nguồn thu của họ còn nhiều hạn chế, nhất là trong thời gian dài vừa qua bị ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19, dẫn đến tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, phải giải cứu.
Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi thì bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh về khuyến khích đầu tư trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi đối với người nuôi trồng thủy sản trong việc chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa. Bên cạnh đó cũng cần chỉ đạo, vận động các đơn vị sản xuất, cung ứng phao nhựa có các chính sách khuyến khích người nuôi trồng thủy sản sử dụng phao nhựa thân thiện với môi trường. Trong đó có việc đảm bảo chất lượng sản phẩm cung ứng đến người sử dụng, cam kết thu mua lại sản phẩm cũ sau khi sử dụng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho các hộ tích cực chuyển đổi. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thị trường, ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm giả, làm nhái và đưa ra thị trường các loại phao không phù hợp quy chuẩn...
Thực hiện tốt và nhanh việc chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa hợp quy chuẩn, Quảng Ninh sẽ là một trong những địa phương đi đầu đạt mục tiêu chuẩn hóa vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản, đảm bảo cho ngành thủy sản phát triển bền vững, mang lại giá trị cao, thân thiện với môi trường và góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
Ý kiến ()