Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Trong những ngày gần đây, tại cuộc họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ và cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, một trong những vấn đề được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chú trọng chỉ đạo là đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Theo Thủ tướng, trong thực hiện nhiệm vụ tháng 3 cũng như quý I vừa qua, bên cạnh những mặt tích cực, nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đòi hỏi phải nghiêm túc đánh giá để tìm ra biện pháp khắc phục, như giải ngân vốn đầu tư công vẫn hạn chế, yếu kém, chưa có cải thiện đáng kể; một số chương trình chưa được triển khai theo tiến độ. Do vậy, trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công. Đầu tư công phải dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư...
Với tỉnh Quảng Ninh, xác định lấy đầu tư công là động lực, đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế, nên tỉnh đặt quyết tâm đến 30/6/2022 phải giải ngân vốn đầu tư công đạt 50% kế hoạch. Do vậy, ngay sau khi kế hoạch vốn năm 2022 được phân khai, các chủ đầu tư đã tích cực triển khai.
Với sự chủ động, tích cực trong việc chuẩn bị đầu tư từ sớm và tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án chuyển tiếp nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quý I/2022 của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Đến hết ngày 25/3, loại trừ số vốn chưa phân khai chi tiết hơn 1.800 tỷ đồng, thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 19,8% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ 7,7%. Nhưng nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm, thì tỷ lệ giải ngân đạt 20,2%, cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (11%).
Trong tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 25/3, thì nguồn vốn ngân sách tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt 17,9% kế hoạch, tiếp đến là ngân sách huyện đạt 7,7%, thấp nhất là nguồn vốn ngân sách Trung ương, mới đạt 2,2% kế hoạch.
Một vấn đề đáng quan tâm là 50 dự án chuyển tiếp ngân sách tỉnh đến hết quý I/2022 giải ngân đạt 23,2% kế hoạch. Tỷ lệ này là chậm so với kỳ vọng, trong đó tập trung ở 2 nhóm dự án là y tế và giao thông. Đặc biệt là nhóm dự án về y tế, hiện có đến 7/8 dự án chưa giải ngân.
Về nguồn vốn ngân sách huyện phân bổ, trong tổng số kế hoạch vốn là hơn 7.000 tỷ đồng, hiện các địa phương đã phân khai chi tiết hơn 6.400 tỷ đồng cho các dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đến hết quý I/2022 mới được hơn 500 tỷ đồng, đạt gần 8% kế hoạch. Đây là tỷ lệ rất thấp so với kỳ vọng của tỉnh...
Với thực tế công tác giải ngân vốn đầu tư công còn những hạn chế như vậy, nên tại kỳ họp thường kỳ tháng 3 vừa qua của UBND tỉnh đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư có chất lượng ứng với khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành được nghiệm thu. Đối với các dự án khởi công mới đã phân bổ kế hoạch vốn từ đầu năm, phải lựa chọn dứt điểm nhà thầu xây lắp triển khai thực hiện. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình động lực. Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là các chủ đầu tư phải hoàn thiện thủ tục và phân bổ dứt điểm các nguồn vốn kế hoạch đầu tư trong tháng 4/2022. Sau ngày 30/4/2022, nếu tiếp tục chậm trong công tác giải ngân triển khai thực hiện các dự án cũng như phân khai chi tiết các nguồn vốn, UBND tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan...
Ý kiến ()