Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7- Báo điện tử Đẩy mạnh công tác hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng
Quảng Ninh có đường biên giới dài, với nhiều đường mòn, lối mở. Bên cạnh thuận lợi để phát triển KT-XH, các loại tội phạm cũng dễ phát sinh, trong đó có tội phạm mua bán người. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Trước tình hình tội phạm mua bán người, XNC trái phép, đưa người ra nước ngoài ngày càng phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp để phòng, chống nạn mua bán người, cũng như các hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Chuyện của người trong cuộc
Tiếp chúng tôi trong quán trà sữa mới mở được hơn một năm, chị Nguyễn Thanh Trang (khu 3, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) nhớ lại quãng thời gian đi làm giúp việc ở nước ngoài. Vui buồn có cả, nhưng tựu chung lại, đồng tiền ở đâu cũng thấm đầy mồ hôi, nước mắt.
Khoảng năm 2005, vợ chồng chị Trang ly hôn. Khi ấy 2 con gái của chị còn nhỏ, một bé 2 tuổi còn một bé mới được 6 tháng. Do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, lại nuôi cả mẹ già và em gái đang đi học. Bản thân chị Trang lúc đó không có việc làm, với mong muốn thay đổi cuộc sống, chị tìm đến công ty môi giới để tìm công việc ở nước ngoài. Sau 2 tháng học tiếng, chị Trang cũng sang được Đài Loan.
“Ban đầu nghĩ là ra nước ngoài sẽ kiếm được nhiều tiền để gửi về cho gia đình trang trải cuộc sống. Nhưng không, 2 năm đầu số tiền lương phải trả cho môi giới 50-60%. Đến năm thứ 3 tôi mới nhận đủ 100% lương, thì đã hết thời gian lao động. Chưa kể, còn phải trả nợ số tiền vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng. Tại Đài Loan, công việc chính của tôi là chăm sóc người già ốm đau, từ ăn uống, đến tắm rửa, vệ sinh; ngoài ra còn cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.
Cuộc sống không dám nghĩ đến nghỉ ngơi. Nếu có ốm đau thì tự mình cố gắng chăm sóc bản thân. Người thân không có, bạn bè cũng không, suốt ngày bù đầu với công việc. Nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn ở nhà, tôi lại cố gắng làm cho dù công việc vất vả gấp đôi, gấp ba các gia đình khác. Sau 3 năm, tôi về Việt Nam vẫn không đủ tiền nuôi con.
Ở nơi đất khách, những lao động như tôi chịu rất nhiều khổ cực, thiệt thòi, bị bóc lột sức lao động, bị người ta khinh thường. Nếu không vì con cái, vì gia đình, vì những khoản nợ, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ đi như thế” - Chị Trang tâm sự.
Tiếp tục công việc đi làm thuê nhiều nơi sau khi về nước, đến năm 2021 chị Trang được giới thiệu tham gia dự án "Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại tỉnh Quảng Ninh" (Dự án TMSV). Với ý tưởng muốn mở quán trà sữa, chị Trang đã được các chuyên gia hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn cách kinh doanh và tài trợ một số thiết bị phục vụ cho việc kinh doanh với trị giá 80 triệu đồng. Nhờ những kiến thức được tập huấn, cộng thêm sự chăm chỉ, chịu khó, sau 1 năm quán trà sữa của chị Trang đã hoạt động khá hiệu quả, doanh thu 70-100 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của gia đình chị Trang cũng dần ổn định.
Nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực
Với 118,8km đường bộ biên giới, 191km đường phân định biển tiếp giáp với Trung Quốc, trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người, XNC trái phép, đưa người ra nước ngoài (Trung Quốc) trên địa bàn Quảng Ninh diễn ra khá phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Các đối tượng thực hiện thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động từ các địa phương lấy địa bàn Quảng Ninh để làm nơi trung chuyển, lừa dẫn phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vẫn là lợi dụng sự kém hiểu biết và thiếu thông tin của nạn nhân, lợi dụng các đường mòn biên giới và những mối quan hệ sẵn có tìm cách móc nối với số phụ nữ Việt Nam lấy chồng và làm ăn, cư trú bất hợp pháp ở Trung Quốc để quay trở về Việt Nam lừa dẫn phụ nữ và trẻ em đi Trung Quốc bán cho các chủ chứa hoạt động mại dâm, hoặc bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ, làm con nuôi. Tội phạm mua bán người còn dùng chiêu thức làm quen qua mạng xã hội (zalo, facebook...) để tán tỉnh, yêu đương rồi lừa đưa sang Trung Quốc bán.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở (là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) đảm bảo cơ sở vật chất, nhân lực, được giao nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong trường hợp khẩn cấp, hoặc trong thời gian xác minh đối tượng là: Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và Trung tâm Bảo trợ xã hội. Từ đầu năm đến nay Trung tâm Công tác xã hội đã tiếp nhận 2 trường hợp là phụ nữ được các cơ quan chức năng TP Móng Cái bàn giao để quản lý và chăm sóc, phối hợp với cơ quan chức năng xác định quê quán, thân nhân của đối tượng. Qua đó, đã bàn giao 1 trường hợp cho gia đình, địa phương; 1 trường hợp bàn giao cho tổ chức Rồng Xanh đưa đối tượng trở về gia đình.
Bên cạnh đó, Trung tâm Công tác xã hội còn duy trì tổng đài tư vấn miễn phí 18001769, trực 24/24h để tiếp nhận tất cả các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là những trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp như: Nạn nhân bị bạo lực, xâm hại... Đồng thời, bố trí 10 phòng tạm lánh tại trung tâm và hệ thống cơ sở vật chất của Ngôi nhà Ánh Dương luôn sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp, các nạn nhân bị mua bán.
Ngoài ra, trung tâm cũng cung cấp và phối hợp với các ban, ngành, chính quyền cũng như với các cá nhân khác để cung cấp những dịch vụ công tác xã hội cho nạn nhân như: Tư vấn tâm lý, kết nối nguồn lực, tìm kiếm địa chỉ, quê quán... cho nạn nhân bị mua bán. Còn tại Cơ sở Bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, hiện đang chăm sóc 4 trẻ em bị mua bán trở về.
Hiện nay, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm. Vì vậy, việc ngăn chặn loại tội phạm này, cũng như công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, tạo điều kiện để họ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản và hòa nhập cộng đồng cần được tăng cường hơn nữa.
Ý kiến ()