
Đẩy mạnh cải cách hành chính ngành Tư pháp
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bám sát các chương trình, kế hoạch CCHC của tỉnh và nhiệm vụ của ngành, Sở Tư pháp đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, gắn công tác CCHC với cải cách tư pháp đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Để đưa công tác CCHC đi vào chiều sâu, ngoài ban hành kế hoạch cho từng giai đoạn để định hướng rõ những việc lớn cần phải làm và mục tiêu phấn đấu cụ thể, Sở ban hành kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện. Các kế hoạch xác định đầy đủ nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, sát với chức năng và tình hình thực tế của cơ quan; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, từng cá nhân. Cùng với đó, Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về CCHC; đưa tuyên truyền CCHC vào hoạt động thường xuyên trên các trang, cổng thông tin điện tử của Sở; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện việc giải quyết TTHC trên môi trường mạng, qua bưu chính công ích; các mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về CCHC đang được áp dụng có hiệu quả.
Với những nỗ lực đó đã mang lại kết quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, như: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách về tổ chức bộ máy, chế độ công vụ; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) luôn được chú trọng quan tâm. Sở thường xuyên tiến hành cập nhật và tự kiểm tra văn bản QPPL do tỉnh ban hành, đồng thời kiểm tra các văn bản do HĐND, UBND các địa phương ban hành gửi đến...
Từ năm 2024 đến hết Quý I/2025, Sở thực hiện thẩm định 8 đề nghị xây dựng nghị quyết, 40 dự thảo nghị quyết và 132 dự thảo quyết định; tham gia ý kiến đối với 218 đề nghị xây dựng và dự thảo văn bản QPPL tỉnh, 161 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và của các sở, ban, ngành gửi đến; tự kiểm tra 83 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành; tiếp nhận, kiểm tra 87 văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành, phát hiện 9 văn bản cấp huyện sai về thẩm quyền, thể thức đã kiến nghị giải quyết theo quy định. Trên cơ sở kết quả rà soát, Sở tổng hợp và tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực năm 2023, 2024 với 106 văn bản hết hiệu lực toàn bộ, 36 văn bản hết hiệu lực một phần...

Đặc biệt, Sở chỉ đạo đội ngũ cán bộ, viên chức nâng cao chất lượng giải quyết các TTHC; thường xuyên thực hiện rà soát cải cách TTHC, công tác kiểm soát TTHC, quan tâm đảm bảo thời gian giải quyết TTHC trước và đúng hạn; nâng cao trách nhiệm, ý thức phục vụ công dân. Sở thường xuyên rà soát, đánh giá sự phù hợp các TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhằm lựa chọn các TTHC có thể nâng cấp đáp ứng dịch vụ công trực tuyến toàn trình để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, trong 111 TTHC thuộc thẩm quyền, có 26 TTHC được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 85 thủ tục còn lại thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến một phần.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Cán bộ, công chức, người lao động thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử trong trao đổi công việc hằng ngày, 100% cán bộ công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số để trao đổi công tác, xử lý văn bản giữa các phòng nghiệp vụ trong đơn vị. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Sở tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hàng năm; biên tập, xây dựng các tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Công tác cải cách tổ chức bộ máy được quan tâm thực hiện thường xuyên, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Năm 2024, Sở Tư pháp dẫn đầu khối sở, ban, ngành đối với chỉ số SIPAS (chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước). Thời gian tới, Sở tiếp tục tập trung phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu về công tác CCHC, tiếp tục đẩy mạnh CCHC trong hoạt động Tư pháp nhằm bảo đảm yêu cầu và mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.
Ý kiến ()