
Đầu tư xây dựng các “mô hình Bản văn hóa”
Quảng Ninh hiện có hơn 16,2 vạn người dân tộc thiể số (DTTS), chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh. Sự đa dạng về văn hóa DTTS đang mở ra nhiều cơ hội để phát triển du lịch, mang lại sinh kế bền vững cho người dân các địa phương. Bởi vậy, việc quan tâm đầu tư xây dựng các “mô hình Bản văn hóa” theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đối với các địa phương gắn với phát triển du lịch bản địa các địa phương miền núi, dân tộc được nhiều cử tri quan tâm.
Thời gian qua, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà… đều đã nhận diện và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS cùng các giá trị thiên nhiên tươi đẹp vùng miền núi, biên giới để xây dựng thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, thu hút du khách khám phá, trải nghiệm.
Theo đó, nhân dân các dân tộc ở khắp các địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao; tham gia các mô hình CLB múa, hát dân ca truyền thống, dạy nghề may thêu trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ; phát triển các mô hình du lịch cộng đồng… Vào các dịp lễ hội, ngày hội văn hóa - thể thao Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu, đồng bào DTTS cũng chính là lực lượng chính tham gia tái hiện các nghi lễ truyền thống, biểu diễn văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian. Đặc biệt, từ đây nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người DTTS đã được phát triển trở thành sản phẩm du lịch riêng có của Quảng Ninh, được du khách yêu thích như bóng đá nữ người Sán Chỉ ở Bình Liêu, Tiên Yên…
Tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, việc triển khai xây dựng các “mô hình Bản văn hóa” theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 16/NQ-HĐND của HĐND tỉnh không chỉ là giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là hướng đi bền vững nhằm thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Để triển khai các Nghị quyết trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 20 ngày 29/10/2021 chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh (nay là Sở Dân tộc và Tôn giáo) rà soát, nghiên cứu, xây dựng, khôi phục bảo tồn 4 Làng DTTS trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Cụ thể, đến hết năm 2022 thành lập 3 Làng DTTS gồm: Làng người Tày ở Bản Cáu (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu); Làng người Dao Thanh Y thôn Pò Hèn (xã Hải Sơn TP Móng Cái); Làng người Sán Dìu (xã Bình Dân, huyện Vân Đồn); năm 2023 thành lập thêm 1 Làng người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù (xã Húc Động, huyện Bình Liêu).
Hiện nay, các địa phương đã tích cực khôi phục, bảo tồn nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc của đồng bào DTTS. Đơn cử, TP Móng Cái đã thực hiện lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn; phục dựng chợ phiên Pò Hèn, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch thông qua Lễ hội hoa sim biên giới tại xã Hải Sơn.

Làng Văn hóa - Du lịch dân tộc Sán Dìu (xã Bình Dân, huyện Vân Đồn) được đầu tư trên cơ sở xây dựng và cải tạo trên diện tích nhà văn hoá cũ, gồm các hạng mục xây dựng: Mở rộng tuyến đường từ ngã ba vào trung tâm; đắp tôn sân lễ hội; xây dựng cổng làng; phòng trưng bày không gian di sản văn hoá người dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân; hệ thống âm thanh, ánh sáng sân khấu tầng 2 nhà truyền thống… đã được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2024. Đây không chỉ là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là trung tâm kết nối, giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Với các loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng, Làng Văn hóa - Du lịch dân tộc Sán Dìu xã Bình Dân sẽ góp phần tạo nên chuỗi giá trị du lịch độc đáo, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Vân Đồn.
Việc khôi phục và bảo tồn các làng DTTS không chỉ là một giải pháp bảo tồn di sản, mà còn là lời khẳng định cho một hướng đi phát triển bền vững, giàu bản sắc. Khi cộng đồng người dân được trao quyền làm chủ không gian văn hóa của mình, họ không chỉ giữ gìn bản sắc mà còn chủ động sáng tạo sinh kế từ di sản, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Ý kiến ()