
Phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ hàng đầu, là nền tảng tạo đà cho sự phát triển bền vững. Tỉnh đã có nhiều nhiệm vụ, giải pháp cùng các cơ chế, chính sách riêng nhằm từng bước nâng cao chất lượng lao động và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cùng các chính sách thu hút, hỗ trợ học tập đối với HSSV, nhất là sinh viên chuyên ngành phục vụ sự phát triển của tỉnh luôn được tỉnh quan tâm. Tỉnh có nhiều chính sách động viên, khuyến khích đối với người có tài năng và sinh viên giỏi; đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác trong nước và quốc tế về phát triển nguồn nhân lực. Bám sát mục tiêu Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1061/QĐ-UBND (ngày 4/4/2024), tỉnh xây dựng nhiều nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, nhất là xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC-LĐ tại chỗ, tập trung vào một số lĩnh vực: Quản lý nhân lực, tài chính, tài sản công, các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực dùng chung về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu lao động của tỉnh để phục vụ công tác hoạch định chính sách, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực; huy động xã hội hóa, doanh nghiệp để thành lập Quỹ học bổng hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân lực; tăng cường liên kết đào tạo giữa nhà trường - doanh nghiệp; đào tạo nâng cao năng lực chuyển đổi số của tỉnh…
UBND tỉnh cũng phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC tỉnh Quảng Ninh năm 2025, với 62 lớp đào tạo, bồi dưỡng, với tổng số 3.757 học viên. Các lớp bồi dưỡng được giao cho các cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức lớp và triển khai theo quy định. Trong quý I/2025, tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho 7.650 lượt lao động, đạt 25,5% kế hoạch năm, trong đó tạo việc làm ở các doanh nghiệp trong KCN đạt khoảng 2.500 lượt lao động; doanh nghiệp trong ngành Than khoảng 500 lượt lao động; doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ đạt khoảng 1.600 lượt lao động; số lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 150 lượt và các ngành khác hơn 1.200 lượt lao động; hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng CSXH đạt khoảng 1.700 lượt lao động.
Bên cạnh đó, thực hiện Đề án “Phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành Than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh”, tỉnh và các đơn vị triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho CNLĐ có thu nhập thấp. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội tương ứng khoảng 25.000 căn. Giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã hoàn thành 412 căn hộ thuộc Dự án khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai (TX Quảng Yên) phục vụ CNLĐ doanh nghiệp trong KCN Sông Khoai.
Để hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội trong giai đoạn 2025-2030, nhiều dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đang được đầu tư, như: Dự án nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng thuộc địa phận 2 phường Hồng Hải và Cao Thắng (TP Hạ Long); Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai (TX Quảng Yên); Dự án khu nhà ở xã hội Sunhome cảng hàng không tại huyện Vân Đồn và Dự án khu nhà ở xã hội (TP Đông Triều)... Khi an sinh xã hội được bảo đảm, góp phần ổn định đời sống, người lao động yên tâm công tác, cống hiến cho sự phát triển của doanh nghiệp và của tỉnh.
Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo cũng được tỉnh quan tâm. Bên cạnh cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về KHCN, các đơn vị, địa phương còn tổ chức các cuộc thi sáng tạo KHCN, khuyến khích xây dựng các đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh... Nhiều đơn vị chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về KHCN, như: Trường Đại học Hạ Long đang triển khai 2 kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên và giảng viên nhằm nâng cao chất lượng quản lý, năng lực triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. TKV hằng năm chi hàng chục tỷ đồng cho công tác đào tạo nhân lực KHCN tại Tập đoàn; đã và đang thực hiện 5.000-6.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật với giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng…

Đến nay, nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản hợp lý về mặt số lượng, từng bước cải thiện chất lượng. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là đối với một số ngành, lĩnh vực, như: Công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi, trí tuệ nhân tạo… còn thiếu; tỷ lệ lao động có trình độ sau đại học tuy tăng nhưng chưa xây dựng được đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhất là một số ngành đặc thù, trọng yếu, như: Du lịch, y tế, kinh tế cảng biển, công nghệ thông tin. Toàn tỉnh mới chỉ có 4 phó giáo sư, 132 tiến sĩ, trong đó có 76 bác sĩ CKII. Tỉnh còn thiếu nhân lực khoa học chất lượng cao ở các cơ sở nghiên cứu, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; cơ cấu đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp chưa cân đối, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn…
Tại cuộc họp UBND tỉnh đầu tháng 4/2025, để nghe chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, các đại biểu đã nêu nhiều giải pháp, cụ thể: Tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút lao động và xây dựng kế hoạch triển khai bộ tiêu chí đối với nguồn nhân lực tại Quảng Ninh; thiết lập kho dữ liệu thông tin nguồn nhân lực để hình thành sàn giao dịch điện tử về thị trường lao động; rà soát hoạt động các trường nghề, từ đó mở rộng các ngành nghề tỉnh cần, gắn với cung ứng lao động có tay nghề chất lượng cao cho các doanh nghiệp, nhất là tại các KCN, KKT và các lĩnh vực nuôi biển, dịch vụ, điện - điện tử, bán dẫn, CNTT, du lịch.
Ngoài ra, Trường Đại học Hạ Long mở rộng và tăng quy mô tuyển sinh đối với các ngành sư phạm; xây dựng bộ tiêu chuẩn để đưa vào giảng dạy cho học sinh bậc THPT, giáo dục nghề nghiệp và đại học; phổ cập ngoại ngữ, CNTT, kỹ năng... cho 100% HSSV; đề xuất chính sách thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao cho các ngành tỉnh cần về làm việc...
Mới đây, ngày 7/2/2025, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Theo đó, đến năm 2030, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn với cơ cấu: 315 lao động trình độ đại học trong công đoạn thiết kế và phát triển; 750 lao động trình độ cao đẳng trong công đoạn sản xuất; 12.480 lao động tốt nghiệp THCS, THPT trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử. Đồng thời, đào tạo chuyên sâu cho khoảng 40 giảng viên hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt Hàn Quảng Ninh về công nghệ số, điện tử viễn thông và trí tuệ nhân tạo. Định hướng đến năm 2050, cơ bản đáp ứng đủ số lượng kỹ sư, chuyên gia chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành gần đào tạo về công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh…
Ý kiến ()