![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Đám cưới của người Sán Chay
Vào mùa xuân, các bản làng của người Sán Chay diễn ra nhiều đám cưới hơn những mùa khác trong năm. Phong tục cưới hỏi của người Sán Chay không chỉ là sinh hoạt văn hóa tinh thần mà còn thể hiện tình cảm, đạo đức, lối sống, phép ứng xử giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên.
![Cô dâu người Sán Chay trong ngày cưới.](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309082_co_dau_nguoi_san_chay_trong_ngay_cuoi_15002702.jpg)
Theo Nghệ nhân dân gian Lục Văn Bình, xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ), với đồng bào Sán Chay, cưới hỏi, ma chay luôn là điều đặc biệt thiêng liêng trong mỗi đời người. Ngay từ xa xưa, các tục lệ này đã gắn liền với những con số chẵn, từ lễ vật cho đến con người. Bởi thế, trong đám cưới, đoàn đi đón dâu bao giờ cũng phải là số chẵn. Khi rước dâu về nhà chồng cũng vậy. Họ quan niệm số chẵn là sinh sôi, đủ đầy.
Nét đặc sắc trong lễ cưới của người Sán Chay là bố mối, mẹ mối có vai trò quan trọng se duyên cho đôi vợ chồng trẻ. Đôi trẻ coi bố mối, mẹ mối là bố mẹ thứ hai trong đời. Tết đến, đôi vợ chồng phải đến chơi nhà bố mẹ mối. Khi bố mẹ mối qua đời phải chịu tang như con cái trong gia đình. Đây là một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa tộc người.
Sau khi đôi trai gái tìm hiểu nhau đến chín muồi thì hai bên gia đình thực hiện nghi lễ cưới. Theo đó, lễ đón dâu là một nghi thức quan trọng trong lễ cưới của người Sán Chay, được thực hiện theo trình tự rất nhiều khâu. Thông thường, đoàn nhà trai sang nhà gái đón dâu gồm có 6 người, đứng đầu là ông đón dâu, thứ hai là người gánh lễ, sau đó đến chú rể, phù rể, bà cô chú rể và cuối cùng là ông mối. 6 người đứng thành hàng dọc. Ông mối đi vòng quanh 1 đến 2 lần rồi giơ ô để mọi người chui qua ô tượng trưng cho cánh phượng hoàng che chở cho đoàn. Việc đi vòng quanh mang ý nghĩa báo cáo tổ tiên, quan binh chứng giám phù hộ đưa đoàn nhà trai sang nhà gái, nếu gặp phải cản trở thì quan binh giúp trừ tà, đảm bảo đi đến nơi, về đến chốn.
Nhiệm vụ ông đón dâu là đi đầu quan sát mọi chướng ngại vật có liên quan cản trở chuyến đón dâu của nhà trai. Trên người ông có cái túi và con dao nhọn. Trong túi là bánh chưng để khi đi qua trước cửa dân làng, thấy họ mang các vật dụng ra hứng thì tùy theo số lượng ít hay nhiều, ông đón sẽ thả bánh vào rồi đi qua.
![Cô dâu người Sán Chay trong ngày cưới.](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2309081_co_dau_nguoi_san_chay_trong_ngay_cuoi_14593402.jpg)
Khi nhà trai đã đến nhà gái thì ông cậu, ông chú nhà gái dùng cái ghế đặt ngang và có 2 cái chén để mời ông đón dâu uống rượu. Việc mời rượu và nhận rượu đều được thực hiện bằng câu hát soóng cọ đối đáp. Uống xong chén rượu ông đón dâu sẽ vào nhà. Lúc này nhà trai đang trong nhà gái, thường lệ nhà trai sẽ ngủ lại ở nhà gái. Trong đêm ở nhà gái, cơm nước xong, phù dâu báo cáo ông cậu, ông chú nhà gái mời hát giao duyên trong đám cưới với nhà trai. Khi mọi người đồng ý thì phù dâu nhà gái chuẩn bị cái sàng, 2 cái chén và bắt đầu hát mời phù rể nhà trai cùng hát theo.
Sáng hôm sau, ông đón dâu xin nhà gái 2 cái bát để đựng 4 lá trầu, 2 tờ tiền rồi báo cáo ông cậu, ông chú nhà gái rằng, giờ lành tháng tốt đã đến, nhà trai xin được đón dâu về. Lúc này, nhà trai hát 3 bài xin được đón dâu về. Đại diện hai bên nhà trai và nhà gái cùng hát đối đáp xin đón dâu về. Tan cuộc hát này, đoàn nhà trai mới bắt đầu đón cô dâu về.
Dứt lời hát, lúc này từng người bước ra cửa và đứng thành hàng dọc đi theo trình tự. Đứng đầu là ông đón dâu, sau đến người gánh lễ, chú rể, phù rể, bà cô đón dâu, cô dâu, phù dâu thứ nhất, phù dâu thứ hai, cuối cùng là ông mối. Ông mối tiếp tục nghi thức đi vòng quanh mọi người và đưa ô lên cao cho mọi người chui qua. Sau đó, người gánh lễ, chú rể, phù rể về trước tách khoảng giữa đoàn ông đón dâu nhưng vừa đi vừa đợi. Trong đoàn lúc này đi đầu là ông đón dâu, thứ 2 bà đón dâu, thứ 3 cô dâu, thứ 4 và thứ 5 là 2 phù dâu, thứ 6 là ông mối, thứ 7 và thứ 8 là ông cậu và ông chú của cô dâu.
Khi về đến cửa, em gái chú rể sẽ ra đón ô, cởi dép cho cô dâu. Phù dâu mang đi cất giữ cẩn thận, khi vào đến nhà, cô dâu vào phòng mới được mở khăn che mặt. Lúc này, nhà trai chuẩn bị một mâm cơm có các món ăn trong ngày cưới mời họ hàng nội ngoại. Ông mối vào đến nhà đứng trước cửa phòng cô dâu làm thủ tục báo cáo họ hàng nhà trai chuyến đi đón dâu đã hoàn thành nhiệm vụ.
Gia đình chuẩn bị mâm lễ báo cáo tổ tiên có thêm thành viên trong gia đình. Đến giờ lành, nhà trai chuẩn bị cái mâm, 2 cái chén, 2 đôi đũa, 2 miếng gan lợn, 2 cái nhẫn và rượu, ông mối trao nhẫn cho cô dâu, chú rể. Nét đặc sắc trong lễ này là vật phẩm dâng cúng có 2 lá gan lợn, là bộ phận gần với mật, mang ý nghĩa tình cảm vợ chồng luôn bền chặt, chung thủy trăm năm, dù cuộc sống có đắng cay, vất vả nhưng vẫn luôn chia sẻ ngọt bùi.
Ý kiến ()